Tại tọa đàm, trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", các chuyên gia thống nhất cho rằng: việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn để ưu tiên cho tăng trưởng là phù hợp với bối cảnh, thời điểm và mức độ, "rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu".
Có thể nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bắt mạch đúng và kê đơn đúng thuốc. Các chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua phản ứng kịp thời với tình hình của đất nước và rất quyết liệt. Chỉ đạo này cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ chặt chẽ, chắc chắn đến nay sang hướng linh hoạt và có lẽ phải làm quyết liệt hơn nữa.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, các ngân hàng sẽ triển khai chỉ đạo của Chính phủ như thế nào? "Thuốc thì kê rồi, bốc và triển khai thực tế có khó khăn gì không?"
Chia sẻ quan điểm của minh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Thứ nhất là chúng ta còn dư địa, cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa. Điều kiện cần là có dư địa chính sách thì chúng ta đã có. Thứ hai, liều lượng hiện nay là tương đối phù hợp.
Thứ ba về phối hợp chính sách. Nếu chúng ta dồn dập quá vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao. Chính sách tiền tệ cần được triển khai đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách tốt hơn.
Riêng về câu chuyện chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng.
Ông chia sẻ: "Kết quả khảo sát dòng vốn cho đầu tư tổng xã hội, thì tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50%, cộng với trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, thì suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ là giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cái đấy rất quan trọng để lượng hóa. Đương nhiên rất quan trọng đối với câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Ý thứ hai, "chúng ta đồng ý với nhau là phải có độ trễ chính sách. Tuy nhiên, tất cả đều mong muốn độ trễ đó ngắn hơn. Thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời".
Vấn đề thứ ba là Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể.
Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất. Thống kê cho thấy lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự.
Bây giờ chúng ta tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi này theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều này là phù hợp và khả thi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, điều kiện cần thôi. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng.
Các chuyên gia cũng đã ngồi với nhau bàn làm thế nào tăng cả cung và cầu. Phía cầu đã giảm lãi suất rồi. Còn phía cung là cần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
Do đó, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết phải giải quyết được sự trì trệ của bộ máy, công chức, viên chức thì mới giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính.
Cuối cùng, phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác. Kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 quý đầu năm chỉ bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều.
TS. Cấn Văn Lực lưu ý: Chúng ta cũng không thể giảm lãi suất quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong 2 tháng vừa rồi cho thấy một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán.
Như vậy, trong điều hành vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng để ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.
"Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Về tổ chức thực thi chuyển hướng chính sách tiền tệ, trước những ý kiến "muốn vay vốn, lên ti vi mà vay" TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thêm: Trong 6 tháng vừa qua, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,73% (đến 30/6) và thực tế đến hôm nay lại giảm bớt đi, chỉ tăng đâu đó xoay quanh 4%. Có nghĩa là tín dụng của chúng ta tăng rất thấp, ngân hàng muốn đẩy ra cũng rất khó, chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp.
Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 15% nhưng cho vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà giảm 1,32%. Rõ ràng người dân không đi vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà nữa mà thậm chí người ta còn giảm sản xuất.
Chính vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để tăng cả năng sản suất, đáp ứng được điều kiện để vay vốn thì có 4 chuyện "nho nhỏ" nhưng rất quan trọng, đòi hỏi nỗ lực từ cả các phía.
Thứ nhất là mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục giảm như Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng là tăng kích cầu.
Thứ hai là linh hoạt hơn điều kiện cho vay, linh hoạt hơn chứ không hạ chuẩn. Ví dụ trước đây tài sản thế chấp phải là nhà cửa, phải là bất động sản nhưng bây giờ có thể là "động sản" như hàng tồn kho, hay là đơn hàng tương lai, hợp đồng ký hợp tác với nhau…
Thứ ba là bản thân doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, hồ sơ minh bạch hơn, và đặc biệt chứng minh có thể trả nợ trong tương lai, chứng minh được nỗ lực của mình.
Cuối cùng là thay đổi sự trì trệ ở bộ phận công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về pháp lý./.