Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2022, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Cả nước có 2 dự án nhà ở công nhân được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; một dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bộ Xây dựng cho biết, việc triển khai nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, như: quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với các luật liên quan; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút; tình trạng căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí; việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập…
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030 cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo hình thức tái cấp vốn.
Hình thức này giống với gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016.
Trong gói tín dụng này, sẽ dành khoảng 50% (55.000 tỉ đồng) cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; 50% còn lại sẽ dành cho người mua và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ Xây dựng đề nghị sớm có nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, như: Vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng nên xem việc đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương./.