Liên quan đến việc đề xuất ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh đang được lấy ý kiến, tại buổi họp báo quý 4/2024 của Bộ Tài chính chiều ngày 7/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, cơ sở đặt ra ngưỡng này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.
Theo đó, hiện có khoảng 380 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên.
Khoảng 81 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên…
Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chính sách này tại một số quốc gia cũng cho thấy, những cá nhân có khoản nợ thuế trong khoảng 2.000 USD (đối với Malaysia) và là 40.000 USD (đối với Hoa Kỳ) thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Do đó, ngưỡng đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp.
Đối với ngưỡng áp dụng cho doanh nghiệp, tham khảo tại Đài Loan (Trung Quốc), quy định cụ thể ngưỡng nợ áp dụng cho doanh nghiệp là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng), các nước khác không quy định ngưỡng cụ thể.
Do vậy, đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngưỡng nợ là 500 triệu đồng (gấp 10 lần số tiền thuế nợ quá hạn áp dụng cho cá nhân).
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc quy định tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là giải pháp đã được quy định và thực hiện từ lâu theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Qua thực tiễn triển khai, quy định này đã mang lại hiệu quả tốt đối với thu hồi nợ của cơ quan Thuế nhưng quy định hiện hành chưa quy định cụ thể về ngưỡng số tiền.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, thời gian qua trong quá trình thực hiện chính sách, cơ quan Thuế ghi nhận một số phản hồi từ các người nộp thuế, cá nhân có số nợ nhỏ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Tiếp thu những phản hồi này, ngành thuế đã chủ động thông báo đến người nộp thuế về nghĩa vụ nợ để hoàn thành đúng hạn.
Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để giải quyết thủ tục nhanh nhất khi phát hiện nợ thuế trong quá trình xuất cảnh, sau đó liên thông giải quyết nhanh nhất.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế.
Trong đó đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
Hiện Tổng cục Thuế đã lập báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cũng cho biết, theo pháp luật, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, không phân biệt là người nổi tiếng hay không, nếu phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì phải có nghĩa vụ kê khai và chịu trách nhiệm nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.
Như vậy, người nổi tiếng, các YouTuber, TikToker, streamer… mà có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến sẽ đều là các đối tượng phải chịu thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như đưa ra các giải pháp để kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người nộp thuế.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều hoạt động quản lý thuế đối với nhóm người nổi tiếng.
Riêng với các trường hợp là người nổi tiếng tham gia các phiên livestream (bán hàng trực tuyến), tiếp thị liên kết, Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo đến cơ quan các cấp để tăng cường quản lý...
Tổng cục Thuế đã có danh sách những người có doanh số lớn từ việc bán hàng qua thương mại điện tử và được đưa vào danh sách thực hiện phân loại tiêu chí rủi ro, thanh tra, kiểm tra.
Thống kê trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên diện rà soát là 76.428 cá nhân; số đã xử lý vi phạm là 30.029 cá nhân với số tiền truy thu, xử phạt là 1.223 tỷ đồng.
Liên quan tới việc đồng nhất mã số thuế với số định danh cá nhân, phóng viên bày tỏ về các trường hợp 1 cá nhân có 2 - 3 mã số, ông Mai Sơn cho biết, triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp về chia sẻ dữ liệu, truy vấn dữ liệu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế rà soát, chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân.
Tính đến hết tháng 12/2024, khoảng 95% số lượng mã số thuế cá nhân thuộc đối tượng phải rà soát và có thể rà soát đã được chuẩn hóa thông tin khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện còn 5% là nhiều đối tượng khó tìm kiếm, dữ liệu chưa được đồng bộ nên còn tiếp tục rà soát.
Các trường hợp có nhiều mã số thuế hầu hết do trong quá khứ phát sinh giao dịch dân sự từ các giấy tờ nhân thân khác nhau (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân)…
Ông Mai Sơn cho biết, cơ bản đến nay, các trường hợp này cũng đã được đồng bộ vào 1 mã số do người nộp thuế lựa chọn và sau này sử dụng thống nhất.
Cũng tại buổi họp báo, đề cập việc dư luận cho rằng, cần phải tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương, ông Trương Bá Tuấn Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện quy định, CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của CPI.
Thời gian qua, Bộ Tài chính theo dõi sát sao diễn biến chỉ số CPI. Kể từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là năm 2020 đến nay, CPI tăng chưa vượt ngưỡng 20% như quy định trong Luật.
Theo ông Trương Bá Tuấn, dự báo đến năm 2025, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh./.