Trên giảng đường đại học, sinh viên nào cũng muốn đạt được học bổng trong các kỳ học của trường. Học bổng là một khoản tiền khuyến khích cho sinh viên khi đạt được thành tích cao trong học tập. Việc trao tặng học bổng trong mỗi kỳ học là việc nhằm giúp sinh viên có thêm động lực học tập, tiếp tục cố gắng.
Theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng.
Học bổng ở đại học thường có mức xuất sắc, giỏi và khá. Học bổng loại khá là mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành, chuyên ngành, nghề mà học sinh, sinh viên đó phải đóng tại trường. Đối với các trường tư thục, mức học bổng tối thiểu do hiệu trưởng quy định. Học bổng loại giỏi mức học bổng cao hơn loại khá, do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại giỏi trở lên. Học bổng loại xuất sắc là mức học bổng cao hơn loại giỏi do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại xuất sắc.
Mỗi trường đại học sẽ có một số tiêu chuẩn, điều kiện khác nhau cho sinh viên để đạt được học bổng. Khi sinh viên có đủ điều kiện đưa ra sẽ có cơ hội để đạt được học bổng theo các mức của trường.
Tuy nhiên, số lượng các suất học bổng khuyến khích học tập được quy định số lượng, vì thế tỉ lệ cạnh tranh là rất lớn. Cũng theo nghị định trên, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Học bổng là minh chứng cụ thể nhất cho kết quả của một kỳ học tập siêng năng và không ngừng cố gắng của sinh viên. Thành tích về điểm số và quá trình rèn luyện để đạt được bổng chính là nỗ lực của sinh viên khi phải cân bằng giữa việc học tập và rèn luyện.
Học bổng trong mỗi kỳ học vừa có ý nghĩa hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên, tạo động lực để phấn đấu, cố gắng cho các kỳ học sau. Khoảng tiền được nhận từ học bổng sẽ phần nào hỗ trợ, giúp sinh viên trang trải được học phí và chi phí sinh hoạt hàng ngày, phụ giúp cho gia đình.
Ngoài ra, để đạt được học bổng, các kiến thức và kỹ năng của sinh viên cũng cần phải nắm chắc và được trau dồi rất nhiều. Vì vậy, đây sẽ là điều giúp sinh viên có được sự chú ý của các nhà tuyển dụng trong tương lai.
Có rất nhiều sinh viên khi mới bước vào đại học đã lập ra mục tiêu đạt được học bổng. Tuy nhiên, sau một thời gian chỉ có thể tập trung vào việc duy trì điểm đủ để qua môn, không phải học lại và không còn giữ vững mục tiêu học bổng. Việc này đến từ rất nhiều nguyên nhân như thiếu động lực, định hướng hoặc bị chi phối bởi nhiều việc, khó quản lý về thời gian hay bị mục tiêu quá cao nhưng không thực tế với năng lực và sự cố gắng...
Bí quyết để sinh viên dễ dàng đạt được học bổng là cần phải có những kế hoạch và định hướng rõ ràng phù hợp với năng lực của mình.
Trước hết, sinh viên phải tìm hiểu các tiêu chí và yêu cầu của trường về các mức học bổng. Sau đó đặt ra mục tiêu cần thiết cho từng học phần về số điểm và mức kiến thức cần phải đạt được. Và các mục tiêu này cũng phải phù hợp với bản thân sinh viên, tránh trường hợp sinh viên tự tạo áp lực cho chính mình.
Để có thể "ẵm" chắc học bổng trong tay, sinh viên cần phải nắm chắc một lượng kiến thức cần thiết để hoàn thành tốt việc học trên trường và các bài thi kết thúc học phần. Tuy nhiên, với việc nghe giảng bài từ giảng viên sẽ rất khó để sinh viên có thể hiểu hết các kiến thức của học phần. Việc xem trước giáo trình khi đến lớp là rất cần thiết nếu muốn tiếp thu đầy đủ kiến thức.
Bên cạnh đó, các đầu điểm về chuyên cần và thái độ học tập trên lớp sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội đạt học bổng hơn. Vì vậy, sinh viên nên năng nổ và chăm phát biểu hơn trong giờ học để có đánh giá tốt từ giảng viên bộ môn. Việc đọc trước các nội dung bài học sẽ giúp sinh viên tự tin và có nhiều ý tưởng hơn trong giờ học.
Các kiến thức cần phải có thời gian để nghiền ngẫm và tiếp thu. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành một học phần là rất ngắn, chỉ khoảng 3-4 tháng cho một lượng kiến thức gồm rất nhiều môn trong một học kỳ để đi thi. Vì vậy, việc học đến đâu hiểu đến đó, học từng chút một theo thời gian sẽ giúp sinh viên không phải luống cuống, gấp rút ôn thi dồn dập.
Nhiều sinh viên cuối kỳ thi thường rơi vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy". Ôn thi trong một tuần hoặc ôn thi trong ba ngày có lẽ là những cụm từ rất quen thuộc với một số bộ phận sinh viên hiện nay. Dù các giảng viên có đưa ra những giới hạn để ôn tập cho học phần, tuy nhiên cách ôn thi này thường không mang lại hiệu quả cao.
Phải nhồi nhét một lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn khiến cho bộ não bị quá tải, khó tiếp thu. Hơn nữa, việc phải học nặng như vậy sẽ dễ mang đến cảm giác căng thẳng, hoang mang cho sinh viên, làm việc ôn thi trở nên áp lực hơn rất nhiều.
Đại học là môi trường năng động, khuyến khích các sinh viên làm việc theo đội nhóm. Có thể thấy, những bài tập trên đại học thường được đánh giá theo điểm nhóm và phần trăm đóng góp của bản thân trong sản phẩm cuối cùng đưa ra của nhóm. Vì vậy, nhóm học tập trên đại học cũng quyết định rất lớn đến kết quả học tập.
Những sinh viên có cùng quyết tâm "săn" học bổng sẽ có mục tiêu rất khác với những sinh viên chỉ có nhu cầu qua môn. Vì vậy, một nhóm có mục tiêu rõ ràng và tham vọng cao thường đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu và hoàn thành bài tập, dẫn đến chất lượng công việc và kết quả học tập tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc chọn cho mình một "chốn dung thân" tốt cũng giúp cho việc học tập, giúp đỡ lẫn nhau mang hiệu quả hơn. Trong một nhóm, khi mọi thành viên đều có tinh thần trách nhiệm hiệu quả công việc cao hơn, từ đó khuyến khích các thành viên mở lòng và giao tiếp cởi mở hơn để có thể chia sẻ và đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến hay hơn. Không chỉ đảm bảo hiệu quả làm việc mà còn tăng thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp.