In bài viết

'Bài ca buồn xe buýt': Mỗi nơi 1 kiểu dẫn tới cạnh tranh 'vô lối'

10:46 - 26/07/2022

(Chinhphu.vn) - Đắk Lắk là một tỉnh đặc biệt ở miền núi lại có sáng kiến đầu tiên là đưa xe buýt nội tỉnh. Lúc đầu chỉ có xe buýt trong nội đô thôi nhưng mở rộng khái niệm ra nội tỉnh. Lúc đó còn phải bàn cãi mãi. Về sau Bộ Giao thông vận tải kiểm tra và chấp nhận cho làm thử. Họ chả có bù giá, trợ giá gì cả mà làm rất ngon lành.

'Bản tình ca xe buýt': Mỗi nơi 1 kiểu dẫn tới cạnh tranh 'vô lối' - Ảnh 1.

Ông Đào Viết Ánh: "Khi đã nhận trợ giá từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến". Ảnh VGP/ Quang Thương

Khi đã nhận trợ giá, doanh nghiệp xe buýt phải thực hiện nghĩa vụ

Thời gian gần đây, dư luận rất "sốc" trước sự việc chưa từng có tiền lệ trong kinh doanh vận tải công cộng là có doanh nghiệp vận tải buýt tại một địa phương xin trả lại tuyến; rồi một loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại TPHCM "đồng thanh" kêu lỗ vì không có khách hàng…

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vận tải Phương Trang lại quyết định "bơi ngược dòng" khi mở thêm 8 tuyến xe buýt mới tại Khánh Hòa vào hạ tuần tháng 4 vừa qua, chia sẻ về điều này, ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang bày tỏ rằng, doanh nghiệp này, luôn muốn người dân sử dụng dịch vụ công cộng để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố du lịch.

Mục tiêu lớn nhất mà Công ty Phương Trang hướng tới là cung cấp cho người dân các dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chất lượng cao, để người dân được trải nghiệm các chuyến xe buýt hiện đại, chuyên nghiệp, với phương tiện được đầu tư mới 100%, đặc biệt đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ lái xe an toàn, cũng như thái độ phục vụ hành khách.

Qua đó người dân có thể thay đổi cách nhìn về sử dụng xe buýt, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Về thực trạng doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt bỏ, trả lại tuyến hoặc yêu cầu nâng mức giá, ông Đào Viết Ánh cho rằng: Khi tham gia đấu thầu một tuyến xe buýt nào, doanh nghiệp sẽ biết được mức trợ giá ở trong đó.

Sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có trách nhiệm khảo sát, tính toán tất cả chi phí để từ đó biết được mức trợ giá có phù hợp hay không.

Khi đã quyết định tham gia đấu thầu và nhận đặt hàng với mức trợ giá ấn định thì không thể than lỗ để lấy lý do bỏ tuyến, ngưng tuyến, không tiếp tục khai thác.

"Khi đã nhận trợ giá từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến như hiện nay", ông Đào Viết Ánh bày tỏ.

Bình luận quan điểm này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: "Đây là quan điểm cho thấy nếu trợ giá thì sẽ không lỗ được, đã nhận trợ giá thì phải cam kết làm được, không kêu nữa".

'Bản tình ca xe buýt': Mỗi nơi 1 kiểu dẫn tới cạnh tranh 'vô lối' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thanh: Mỗi tỉnh phát triển xe buýt một kiểu, dẫn tới sự cạnh tranh "vô lối". Ảnh VGP/Quang Thương.

Người tiêu dùng bây giờ coi trọng văn minh, còn giá chỉ là thứ yếu

Nhìn nhận về quyết định của Phương Trang, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Vừa rồi Phương Trang có mở thêm mấy tuyến ở Khánh Hòa và đưa ra 1 loại hình vận tải chất lượng cao. Người dân bây giờ nhu cầu đời sống cao hơn rồi, người ta không phải muốn đi bằng mọi giá.

Cách đây mươi mười lăm năm thì kiểu gì người ta cũng phải đi, nhưng bây giờ không phải thế. Thành thử người tiêu dùng yêu cầu thứ nhất là xe buýt phải thuận tiện, thuận lợi, không phải đi quá xa để đến bến, không phải chờ đợi lâu, không phải chen chúc, nghĩa là phải thuận tiện, thuận lợi và phải đúng giờ. Rồi đến an toàn, trật tự an ninh trên xe buýt, an toàn giao thông và tiếp theo là văn minh. Người ta coi trọng cái văn minh, chứ còn giá là thứ yếu.

Giờ đừng có nghĩ rằng giá 6000-7000 đồng người ta bảo rẻ đâu và 15.000 chưa chắc là đã đắt. Người dân coi trọng sự thuận lợi, sự an toàn, chất lượng phục vụ văn minh. Phương Trang đi đúng hướng chứ chưa vội vàng tính toán lời lãi gì ở đây.

Lời lãi thu về sau khi hành khách đi đông lên rồi thì chính là lãi và càng nhiều khách, càng có lãi. Phải xác định như thế thì đầu tiên phải bỏ ra đã. Ít doanh nghiệp làm như thế lắm.

'Bản tình ca xe buýt': Mỗi nơi 1 kiểu dẫn tới cạnh tranh 'vô lối' - Ảnh 3.

Là một tỉnh miền núi, nhưng Đắk Lắk lại là tỉnh đầu tiên có sáng kiến phát triển xe buýt nội tỉnh. Chẳng có trợ giá, bù giá gì cả mà làm rất ngon lành.

Đắk Lắk: Chả có bù giá, trợ giá gì cả mà làm rất ngon lành

Cung cấp thêm thông tin về các doanh nghiệp đang tham gia thị trường xe buýt, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: "Doanh nghiệp tham gia xe buýt thống lĩnh thị trường ở khu vực Hà Nội là Tổng Công ty vận tải Hà Nội. Đây là "con cưng" của Hà Nội, được nhiều ưu đãi của thành phố, tôi xin nhấn mạnh rất nhiều ưu đãi của Hà Nội.

Còn TPHCM thì khác, TPHCM chưa chắc đã ưu tiên đâu. Thậm chí Phương Trang còn bị cô lập nữa đằng khác, nói thì hơi quá nhưng không đơn giản đâu. Một số tỉnh khác lại để rất bình thường như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Đắk Lắk".

Riêng với tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: "Đây là một tỉnh đặc biệt ở miền núi lại có sáng kiến đầu tiên là đưa xe buýt nội tỉnh. Lúc đầu chỉ có xe buýt trong nội đô thôi nhưng mở rộng khái niệm ra nội tỉnh.

Lúc đó còn phải bàn cãi mãi, về sau chúng tôi phải điều tra, khảo sát, trình Bộ Giao thông vận tải chấp nhận cho làm thử. Họ chả có bù giá, trợ giá gì cả mà làm rất ngon lành".

Phát triển xe buýt: Mỗi tỉnh làm một kiểu, dẫn tới cạnh tranh "vô lối"

Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ thêm: "Một anh bạn rất thân với tôi làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải khi vận động các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh mở xe buýt, một số doanh nghiệp đòi trợ giá.

Anh đến gặp một doanh nghiệp thân và quý trọng, anh nói rất thân tình với cậu giám đốc trẻ lắm: Chú khuyên mày không cần trợ giá, mày đưa ra hết sức công khai giá cả, đề nghị cho tôi làm giá cước, tôi lấy như thế này.

Bởi vì anh ấy bảo: Nếu mày lấy trợ giá thì nhiều bất cập lắm mà chưa chắc đã được nhận trợ giá".

"Nói như vậy để làm gì? Các doanh nghiệp rất quan tâm đến cơ chế chính chính sách", ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh và cho biết: "Điều hành chính sách tại một số địa phương có khác nhau.

Bộ máy công quyền ở mỗi địa phương có khác nhau, thành thử có địa phương phát triển tốt nhưng có địa phương gặp trục trặc.

Có địa phương dựa hoàn toàn vào một doanh nghiệp làm chủ lực để thực hiện, để ổn định. Ở thành phố khác thì thả lỏng, từ đó có sự cạnh tranh 'vô lối'.

Như vậy thì các doanh nghiệp rất bị động về đấu thầu ra sao, đăng ký như thế nào và buộc phải làm. Cũng có thể là không thấy lời đâu nhưng họ buộc phải làm, cắn răng làm. Ngược lại, có anh chạy chọt để được làm. Thực trạng hiện nay là như thế".

Phải đấu thầu công khai minh bạch

Từ nhìn nhận trên ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, "để phát triển vận tải xe buýt lành mạnh, phải đấu thầu công khai minh bạch và khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các dịch vụ cao cấp. 

Người dân sẽ được hưởng cái này và chính người dân chọn lựa, sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn không đứng đắn. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp để xử lý".