Góp ý quy định về xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2, tức là cần có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hiện người lao động nông thôn nhiều gấp 2 lần ở thành thị. "Ở thành thị người ta có lái xe đi. Còn người lao động bình thường ở các vùng Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long,... nếu quy định 100% không có nồng độ cồn thì không khả thi", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lấy dẫn chứng ngay với bản thân mình rằng "nếu uống 1 cốc bia hoặc 1 cốc rượu, không biết người khác sao chứ tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt. Uống 1 cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn".
Đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng "uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị Cảnh sát giao thông phạt thì vô lý".
Vì thế, đại biểu Phan Văn Hòa đề nghị Quốc hội xem xét, cơ quan y tế cũng cần phối hợp để có tính toán về vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ không ủng hộ việc đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thế nhưng, theo đại biểu, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc cấm người đã sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe.
Lấy ví dụ trường hợp sử dụng strongbow - một loại thức uống giấm táo hoặc hương vị khác, đại biểu cho biết đã tham khảo một số tài liệu thì đây không phải là rượu hoặc bia, nhưng uống vào sẽ lên nồng độ cồn. Vậy trường hợp này xử phạt thế nào?
Đại biểu cho biết, một cục nghiệp vụ của Bộ Y tế vừa qua đã tiến hành khảo sát để đánh giá nồng độ cồn thế nào là phù hợp. Trong khi chờ kết quả từ cơ quan chuyên môn, bà đề nghị cần có sự đánh giá khách quan, khoa học.
"Nên cân nhắc kỹ càng, không nên quy định nồng độ bằng 0, trước hết là để thực thi pháp luật một cách tường minh, hai là bảo vệ hình ảnh của lực lượng thực thi công vụ, ba là tránh sai số trong thiết bị đo nồng độ cồn", đại biểu nêu quan điểm./.