In bài viết

Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả xã hội học tập: Cụ thể hơn về mức điểm, mốc đánh giá

07:35 - 03/09/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập cần cụ thể hơn về mức điểm đánh giá, cụ thể hơn về các mốc đánh giá để thấy rõ kết quả tiến lên hay lùi xuống hàng năm, đồng thời sắp xếp lại một số tiêu chí cho phù hợp, khoa học.

Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả xã hội học tập: Cụ thể hơn về mức điểm, mốc đánh giá - Ảnh 1.

Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo bộ tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập của các địa phương giai đoạn 2021-2030.

Gặp lúng túng trong xác định các tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập

Sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. 

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Đề án đã được hoàn thành, các nhiệm vụ và giải pháp được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” có một thực tế là các địa phương, các cơ quan chức năng của ngành Giáo dục gặp lúng túng trong việc xác định các tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập để làm cơ sở như một bộ công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác tham mưu, chỉ đạo. 

Do vậy, rất cần thiết nghiên cứu để xác định các tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập, trên cơ sở đó làm tốt công tác chỉ đạo đối với các địa phương, từng bước thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Công cụ quản lý quan trọng giúp các địa phương trong công tác tham mưu, chỉ đạo

Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 được xây dựng với mục đích là công cụ quản lý quan trọng giúp các địa phương trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng xã hội học tập thuộc phạm vi quản lý. 

Đồng thời, giúp UBND cấp tỉnh đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập ở các đơn vị cấp huyện trong tỉnh, làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài ra, cung cấp cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” hằng năm phù hợp với thực tế địa phương và huy động nguồn lực hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả của mọi người trong xã hội.

Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả xã hội học tập: Cụ thể hơn về mức điểm, mốc đánh giá - Ảnh 2.

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc góp ý tại Hội thảo

Cấu trúc của dự thảo Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm tiêu chí: 

1- Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng xã hội học tập; 

2- Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động xây dựng xã hội học tập; 

3- Nhóm tiêu chí về các điều kiện đảm bảo thực hiện việc xây dựng xây dựng xã hội học tập; 

4- Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả học tập của người dân trong năm; 

5- Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của việc thực hiện xây dựng xã hội học tập đối với xã hội.

Bộ tiêu chí cần cụ thể hơn về mức điểm đánh giá, các mốc đánh giá

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến cơ bản nhất trí với cấu trúc, nội dung của dự thảo Bộ tiêu chí. Các góp ý tập trung vào một số vấn đề như: cần có thêm cơ sở thực tiễn khi xây dựng bộ tiêu chí; bổ sung thêm phạm vi và đối tượng áp dụng; bổ sung các hoạt động khuyến học… 

Bộ tiêu chí cần cụ thể hơn về mức điểm đánh giá, cụ thể hơn về các mốc đánh giá để thấy rõ kết quả tiến lên hay lùi xuống hàng năm, đồng thời sắp xếp lại một số tiêu chí cho phù hợp, khoa học.

Các nội dung tiêu chí cần bám sát hơn với mục tiêu, tiêu chí của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó cần bổ sung tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số, tăng thêm các tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, bổ sung thêm các tiêu chí cho thấy trách nhiệm phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong xây dựng xã hội học tập. 

Bộ tiêu chí làm sao phải có cấu trúc chặt chẽ, phù hợp với địa phương và giúp địa phương dễ thực hiện nhất. Ngoài ra, cần thử nghiệm Bộ tiêu chí trước khi triển khai chính thức.

Đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và bổ sung, hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí, đồng thời tiếp tục tổ chức thêm các cuộc Hội thảo để lắng nghe ý kiến trao đổi từ cơ sở và những người trực tiếp triển khai Bộ tiêu chí.