Công an TP Biên Hòa đã làm việc với UBND phường Phước Tân và Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai về các hồ sơ mà địa phương cho là có dấu hiệu tẩy xóa chỉnh sửa nhằm trục lợi từ chính sách.
Liên quan đến vấn đề này, báo CAND cho biết: Quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ các hồ sơ có dấu hiệu chỉnh sửa.
Theo ông Võ Tấn Đức, trước đây đã có tiền lệ một trường hợp cạo sửa hồ sơ tại Dự án sân bay Long Thành. Do đó cần phải xác minh, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Võ Tấn Đức yêu cầu trước ngày 30/6, TP Biên Hòa phải bàn giao ít nhất 80% diện tích, huyện Long Thành phải bàn giao ít nhất 90% diện tích mặt bằng dự án thành phần 1 và 100% mặt bằng dự án thành phần 2 để phục vụ thi công tuyến cao tốc.
Đến nay, trong số các hồ sơ bị trả lại trên đã có 40 trường hợp đến làm việc, cung cấp các giấy tờ. Trong đó có 12 trường hợp cung cấp giấy tờ chứng minh được tài sản trên đất của mình. Các trường hợp còn lại chưa cung cấp được các giấy tờ chứng minh tài sản.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản về việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng xe ba gác tự chế, xe ba gác máy ngang nhiên chở hàng cồng kềnh; xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh, xe máy cày kéo rơ-moóc, xe hết niên hạn sử dụng lưu thông trên các tuyến đường bộ gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Theo UBND tỉnh, ngày 20-5, tại quốc lộ 51 qua huyện Long Thành đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe ba gác tự chế lưu thông ngược chiều với xe máy làm 1 người đi trên xe máy tử vong.
Sau khi xảy ra vụ TNGT nói trên, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh tiếp tục nhận được phản ảnh của người dân cũng như báo chí về tình trạng xe ba gác tự chế, xe ba gác máy ngang nhiên chở hàng công kềnh, chở tôn, thép vượt quá chiều dài quy định, không được che chắn, bao bọc an toàn vẫn lưu thông trên đường. Việc này đã gây nhiều búc xúc cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ TNGT tương tự.
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổng rà soát tất cả các loại xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh, xe máy cày kéo rơ-moóc; xe ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn quản lý để lập danh sách quản lý chặt chẽ đối với loại phương tiện này. Đồng thời thông báo, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đưa các loại phương tiện này hoạt động trên đường giao thông công cộng.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác điều tra cơ bản, xác định những tuyến đường, địa bàn trọng điểm thường xuyên có các loại xe ba gác tự chế, xe ba gác máy chở hàng cồng kềnh; phương tiện cơ giới đường bộ không đăng ký, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe hết niên hạn sử dụng… lưu hành.
Qua đó tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, phải thực hiện việc tịch thu phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng UBND các huyện, thành phố cần chủ động phối hợp với các ngành và lực lượng chức năng liên quan rà soát các cơ sở kinh doanh, cá nhân kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng (sắt, thép, nhôm, kính,…). Trên cơ sở đó tổ chức ký cam kết về việc không sử dụng các phương tiện tự sản xuất, lắp ráp, hết niên hạn sử dụng vận chuyển hàng hóa và lưu thông trên các tuyến đường bộ.