In bài viết

UBTVQH cho ý kiến 10 dự thảo luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm

09:19 - 12/08/2024

(Chinhphu.vn) - Phiên họp Chuyên đề pháp luật Tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày (từ 12 - 14/8/2024), tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội.

UBTVQH cho ý kiến 10 dự thảo luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp.

Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 để cho ý kiến đối với 10 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội.

Về phía khách mời có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, cùng đại diện các Bộ, ngành trung ương.

UBTVQH cho ý kiến 10 dự thảo luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm- Ảnh 2.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dự phiên họp.

10 dự án luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 5 được tổ chức kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cho tới nay.

Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn, số lượng các luật ngày càng tăng, nhiều vấn đề khó, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc tổ chức phiên họp chuyên đề lần này rất quan trọng nhằm cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10/11 dự thảo Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm:

- Luật Địa chất và khoáng sản;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; 

- Luật Công đoàn (sửa đổi); 

- Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); 

- Luật Công chứng (sửa đổi); 

- Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); 

- Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; 

- Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 

- Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); 

- Luật Tư pháp người chưa thành niên; 

Luật Phòng không nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 10 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp như các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
UBTVQH cho ý kiến 10 dự thảo luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ quan điểm chính kiến, không né tránh những nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách

Tại kỳ họp thứ 7 đã có hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại Hội trường và hơn 900 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ góp ý vào các dự án Luật. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những ý kiến rất trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến và có tiếp thu, giải trình các dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên họp này các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, báo cáo rõ vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do vì sao có những vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dù một ý kiến nhỏ của đại biểu nhưng cũng cần phải được lắng nghe, phải có giải trình, tiếp thu cặn kẽ; thực hiện đúng quy định của Bộ chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu tham dự phiên họp phát biểu rõ quan điểm chính kiến một cách khách quan, không né tránh những vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

UBTVQH cho ý kiến 10 dự thảo luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm- Ảnh 4.

Theo dự kiến, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/8 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Trong 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Cùng với đó là các dự thảo: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tư pháp người chưa thành niên; và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.