Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục.
Cụ thể, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời.
Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.
Tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để hoàn thành các mục tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục.
* Trước đó, tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương:
+ Tập trung triển khai xây dựng Khung Chiến lược phát triển giáo dục đại học; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học góp phần đổi mới hoạt động giáo dục đại học gắn với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo;
Tăng cường ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chú trọng kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học với các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm gắn kết đào tạo lý thuyết với thực hành, thực tập.
+ Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án Luật Học tập suốt đời trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.
+ Xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học.