Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về: phạm vi điều chỉnh; các quy định về thẩm định giá; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá; kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…
Theo đánh giá của các đại biểu, về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012, góp phần hoàn thiện hơn nữa cơ chế điều hành giá theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, đồng thời bảo đảm vai trò điều tiết giá của Nhà nước.
Các đại biểu cho rằng, quản lý nhà nước về giá vừa là công cụ, vừa là một trong những "đòn bẩy" có tính quyết định, bảo đảm sự thành công của các tác động quản lý khác.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về giá thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng chưa được kiểm soát kịp thời.
Do đó, các đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh để dự án Luật Giá (sửa đổi) khi được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.