Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo một số địa phương; lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM; cùng chủ tịch, tổng giám đốc, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiếp theo Hội nghị với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và Hội nghị với các ngân hàng thương mại lớn, hội nghị lần này nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương; vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng hiện nay về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao; nhận diện những khó khăn, thách thức cần vượt qua, khắc phục và những thời cơ và thuận lợi cần tranh thủ, tận dụng, phát huy; góp ý về các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, nhất là về thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.
Tinh thần là rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển, ví dụ các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm mà mình đã sáng tạo, nghiên cứu ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến về các nhiệm vụ bứt phá để chuyển đổi số thực sự là một động lực tăng trưởng, góp phần cải tạo tư liệu sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ.
Việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.
Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 một cách hiệu quả, toàn diện, mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, có tác động rõ nét lên các chỉ số tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp với những phương hướng triển khai như sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các "điểm nghẽn" thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật.
Nếu cần thiết, giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03/NQ-CP phối hợp các Bộ ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh yêu cầu tiến độ của các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần làm ngay.
Cụ thể như: cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, xác định ngay các dự án trọng tâm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.
Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo;
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.
Các đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ nhất trí cao với nội dung Báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày. Báo cáo đã khái quát, nêu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua; những kết quả nổi bật góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cốt lõi kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay trong năm 2025.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021-2025 và đặc biệt là quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải có những giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển quan trọng trong năm 2025 và tạo tiền đề, xung lực mới, khí thế mới cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể một số nhiệm vụ trong tâm sau:
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV (ngày 12/02/2025), trong đó tập trung đề xuất thí điểm một số chính sách như xử tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; các chính sách phát triển thị trường KH&CN.
Bộ KH&CN đã đăng tải dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến rộng rãi, đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban MTTQVN, các hiệp hội, doanh nghiệp. Chiều ngày hôm qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết. Bộ KH&CN đang khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.
Thứ hai, tập trung xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 đối với 03 dự án Luật gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và (3) Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý hình thành và phát triển mạnh mẽ các Trung tâm đổi mới sáng tạo và Tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, trình Chính phủ ban hành ngay trong quý I/2025.
Những năm qua, kết quả Chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 32 bậc từ vị trí 76 lên 44 so với năm 2013. Việt Nam có 03 chỉ số đứng đầu thế giới là tỉ lệ nhập khẩu Công nghệ cao (CNC), xuất khẩu CNC và lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, nếu chúng ta không đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống đổi mới sáng tạo thì việc duy trì, cải thiện chỉ số GII là rất khó khăn, chính vì vậy các bộ, ngành cần chung tay bám sát các chỉ tiêu thành phần được phân công, tập trung xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động phù hợp để hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Bộ KH&CN xin nêu một số điểm hạn chế chính mà GII đã chỉ ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả đánh giá như sau:
(i) Bộ GD&ĐT cần tập đẩy mạnh các chỉ số về giáo dục, giáo dục đại học; trong đó lưu ý có 2 chỉ số chưa có dữ liệu phục vụ đánh giá, xếp hạng trong nhiều năm liên tiếp (là Chỉ số Chi của chính phủ cho mỗi học sinh trung học và Số năm đi học kỳ vọng);
(ii) Bộ TT&TT cần tập trung nâng cao các chỉ số về hạ tầng CNTT (như chỉ số về xuất khẩu dịch vụ ICT);
(iii) Bộ TN&MT lưu ý về các chỉ số về môi trường sinh thái;
(iv) Bộ Tư pháp cần cải thiện các chỉ số về môi trường thể chế (như chỉ số về chất lượng các quy định pháp luật);
(v) Bộ LĐTB&XH tập trung triển khai các chỉ số về lao động có kiến thức;
(vi) Bộ VHTT&DL cần cải thiện các chỉ số về công nghiệp văn hóa (như dịch vụ văn hóa và sáng tạo, thị trường giải trí)...
Ngoài ra, để cải thiện chỉ số GII, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp với WIPO xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) đồng bộ với chỉ số GII. Kết quả PII 2024 nhìn chung cho thấy các địa phương cần tập trung có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào hiện có kết quả còn kém như: Trình độ phát triển của doanh nghiệp, Trình độ phát triển của thị trường, Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện trụ cột đầu ra về Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ.
Bộ KH&CN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PII hằng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa qua, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW trong thời gian tới.
Đây là những địa phương đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, có tiềm năng, lợi thế phát triển nội trội so với các địa phương khác, vì vậy đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thí điểm các chính sách đặc thù đã được phê duyệt.
Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, khơi dậy làn sóng khoa học công nghệ của cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Tăng trưởng truyền thống dần tới hạn, chúng ta vừa tăng trưởng trên 7%, nếu muốn tăng thêm từ 7-10% thì phải có các động lực tăng trưởng mới. Điều này chỉ có thể đến từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nông nghiệp đã giúp cho Việt Nam thoát nghèo, FDI, công nghiệp giúp cho Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất cùng với phương thức quản trị quốc gia phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, tiến tới bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Khoa học công nghệ chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu như các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì các kết quả nghiên cứu nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu thay vì của Nhà nước. Để kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần (khoảng 30-50%) kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Nhà nước thu được thuế, tạo công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Viện nghiên cứu nhận tiền từ Nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hoạt động nghiên cứu nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu thì phải chi như tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước, như một cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước làm những việc đã biết, đã định nghĩa nhưng nghiên cứu là việc chưa biết, chưa có nên phải theo một cơ chế khác. Hãy để các viện nghiên cứu chi tiền mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán.
Nhà nước quản lý theo kết quả nghiên cứu, tức là theo mục tiêu, thay vì quản lý cách làm, quy trình.
Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu. Điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu, muốn vậy, trường đại học cần trở thành thỏi nam châm hút các nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhà nước cần có chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Trong 75.000 tỷ năm 2025 chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nên dành 5.000 tỷ cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Chúng ta làm liên tục việc này trong 5 năm sẽ hình thành căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đến 500 tỷ.
Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. Muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ, có vậy doanh nghiệp Việt Nam mới lớn lên được. Doanh nghiệp sau khi đã thành công cần có những việc lớn, thách thức lớn để tạo nên tự hào Việt Nam. Giao việc lớn, nếu họ chưa đủ công nghệ thì họ sẽ thuê các đơn vị nước ngoài làm cho họ hơn là để các doanh nghiệp nước ngoài thuê chúng ta làm các dự án trong nước.
Các doanh nghiệp lớn phải nhận các nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, các dự án trọng điểm quốc gia. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước và đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã giao cho các doanh nghiệp, với mục tiêu hình thành các doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.
Các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số, khơi dậy làn sóng khoa học công nghệ của cả nước. Các doanh nghiệp lớn nên chi cho đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, từ đó tạo thị trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số của Việt Nam, phát triển các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phải nhận lấy trách nhiệm đổi mới công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng GDP.
Các tập đoàn thương mại dịch vụ lớn nên chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ công nghiệp thương mại và dịch vụ. Không làm công nghệ, không làm công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.
Các doanh nghiệp công nghệ lớn phải ra nước ngoài để chinh phục thế giới, thông qua đó học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt như cho phép chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số 2 năm 2025-2026, tăng ngân sách chi thường xuyên cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng chung của Chính phủ, hỗ trợ các dự án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng trung tâm tính toán AI…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học rất cần thiết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu về mối liên kết giữa Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định 41 chỉ tiêu chính và 140 nhiệm vụ cụ thể, trong đó Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 10 nhiệm vụ riêng và 21 nhiệm vụ chung.
Bộ GD&ĐT tuy không được giao trực tiếp chủ trì, theo dõi chỉ tiêu cụ thể nào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu chính đều có sự tham gia, đóng góp quan trọng của ngành GDĐT.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch thực hiện gồm 33 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai trong toàn ngành.
Trước hết cần khẳng định rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn, tới thâm dụng tri thức và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Việc tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao có tác động mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi 3 yếu tố: Tăng năng suất lao động trực tiếp và gián tiếp; tăng thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực thâm dụng tri thức và công nghệ; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ, ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt.
Các cơ sở giáo dục đại học vừa là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ; nhiều đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chủ lực cho lực lượng cán bộ nghiên cứu hiện nay, cả về số lượng và trình độ. Hiện nay, có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, cùng với khoảng trên 120.000 học viên sau đại học, cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế giải pháp khoa học công nghệ.
Do vậy, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.
Có thể khẳng định rằng nếu không có đột phá trong phát triển các trường đại học thì không có đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao và cũng khó có đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ GD&ĐT xác định: Thứ nhất cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.
Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp) rất cần thiết cho họ.
Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả.
Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành đưa vào chương trình công tác và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này để cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Về phía Bộ GD&ĐT đang khẩn trương đánh giá để sửa đổi Luật Giáo dục đại học cũng như Luật Giáo dục nghề nghiệp trong năm nay.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng được giao xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng yếu.
Nhóm nhiệm vụ trong tâm thứ hai là nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống giáo dục đại học và từng cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm gồm:
i) Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học gắn với thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, tổ chức bộ máy và quản trị của từng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả;
ii) Xây dựng và trình Chính phủ Đề án chuyển các cơ sở giáo dục đại học do các bộ chủ quản về Bộ GD&ĐT quản lý, trừ các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường đào tạo lĩnh vực chuyên sâu đặc thù;
iii) Xây dựng và triển khai các đề án, dự án đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng kinh tế và một số tỉnh;
iv) Tiếp tục triển khai các đề án phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy ở Việt Nam;
v) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhất là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường và trong dạy và học.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao về số lượng, chất lượng và cơ cấu phục vụ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung triển khai Chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và 2 đề án quan trọng đã trình Thủ tướng (Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0); phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể cho các ngành đường sắt, điện hạt nhân và các ngành công nghệ khác.
Có thể nói, số lượng các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng, sẽ được triển khai là khá lớn, nếu được bố trí đủ kinh phí thực hiện chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến lớn của hệ thống giáo dục đại học và đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 43, thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.
Dưới góc độ an ninh quốc gia, việc phát triển khoa học công nghệ là tất yếu. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp hôm nay, tôi xin trao đổi về những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn để có những giải pháp vừa thúc đẩy phát triển, vừa đảm bảo an ninh, an toàn.
Nguy cơ, thách thức thứ nhất là sự phụ thuộc khoa học công nghệ nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ của chúng ta chưa đến mức đột phá. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ chảy máu chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng.
Thứ hai là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. An ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức. Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, rồi tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Trong khi phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp trong nước chưa đủ biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Từ thống kê của Hiệp hội An ninh mạng và Hiệp hội Dữ liệu cùng thực trạng thời gian vừa qua, có những thứ chúng ta biết được là mất, có những thứ chúng ta sẽ không phát hiện được. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu.
Thách thức thứ ba là nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chúng ta phải thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhưng trong quá trình này, phải tránh gây bất lợi cho Việt Nam. Không phải chúng ta không quản được thì cấm, chúng ta không cấm, nhưng chúng ta phải có chính sách để làm chủ công nghệ, làm chủ được quá trình khai thác. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định, và chúng ta bảo hộ được quyền đấy.
Thứ tư là rủi ro về môi trường, xã hội, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên trong quá trình sản xuất công nghệ cao, nguy cơ bất ổn xã hội do sự chênh lệch, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và nhóm dân cư.
Đấy là 4 thách thức dưới góc độ an ninh quốc gia. Để tận dụng, tranh thủ tối đa thời cơ, đẩy lùi nhữnh nguy cơ thách thức, góp phần phát triển đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Công an có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng.
Phát triển công nghiệp an ninh ứng dụng gắn chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia. Trong đó công nghiệp an ninh mạng, dữ liệu lớn là trụ cột quan trọng của công nghiệp an ninh.
Chúng ta phải tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng này. Nếu chúng ta muốn làm chủ thì không cách nào khác là phải đặt hàng và chính chúng ta phải tập trung nghiên cứu và nắm được công nghiệp an ninh ứng dụng gắn với công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia.
Thứ hai, phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao. Nghiên cứu làm chủ được rồi nhưng đưa vào thực tiễn để thực hiện rất khó. Chúng ta hiện nay đang đi mua, đấu thầu lựa chọn tất cả các thứ. Nếu chúng ta đặt hàng, nghiên cứu và có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ.
Kiến nghị thứ ba là phải tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Lúc nãy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói rồi, cũng đạt được con số rất lớn, nhưng nếu không có chính sách đột phá thì con số này sẽ rất khó thực hiện. Cần một nguồn nhân lực rất lớn và không ai khác là chúng ta phải tự mình đào tạo.
Lực lượng công an theo chức năng nhiệm vụ quan sát tình hình và từ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà khoa học, các tập đoàn, các tổng công ty cùng đặt hàng nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học ứng dụng và sẽ có những biện pháp bảo vệ, bảo hộ với những sản phẩm này.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Nhằm triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57, Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện.
Đồng chí Bí Thư Thành ủy là Trưởng Ban, Chủ tịch UBND là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cũng xây dựng ngay Kế hoạch triển khai Nghi quyết số 57 của Bộ chính trị và Nghị quyết số 03 của Chính phủ.
Để phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức, vào cuối tháng 2 tới đây, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo để bàn sâu hơn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng kinh tế số của Thành phố Hà Nội là 16,26% GRDP (hơn 9,5 tỷ USD), đứng thứ 6 cả nước. Theo ước tính của Bộ TT&TT, hoạt động kinh tế số của Hà Nội đạt khoảng 23% (khoảng 13,5 tỷ USD).
Đối với các nhiệm vụ trước mắt, Hà Nội sẽ triển khai sớm, quyết liệt Khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm) - quy mô khoảng 199 ha, Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) - quy mô khoảng 36 ha; Khu công nghệ thông tin tập trung công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (quận Long Biên) - quy mô khoảng 32 ha. Đồng thời tiếp tục quan tâm tới Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sẽ đón các dự án công nghệ lớn vào đây.
Với điều kiện, lợi thế về nhân lực, đất đai, cơ chế…, Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tôi rất đồng tình với các báo cáo cho rằng Nghị quyết 57 như 'Khoán 10', đó là việc thay đổi tư duy. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống từ cán bộ xây dựng dự thảo đầu tiên cho đến cán bộ kiểm tra giám sát sau này thì chúng ta không làm được.
Chúng ta cần có sự tuyên ngôn rõ ràng trong hệ thống, kể cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp... nếu không cán bộ không dám xây dựng cơ chế.
Về nhân lực, chúng ta không theo lối cũ là cứ đào tạo. Ví dụ việc đào tạo công nhân cho nhà máy lắp ráp chip theo tiêu chuẩn của Đài Loan (Trung Quốc) thì phải theo giáo trình của họ, chứ không phải chúng ta cứ đào tạo là được.
Vậy với nhu cầu nhân lực thì chúng ta hỗ trợ qua đầu nào? Nếu như hỗ trợ hết cho các trường đại học, đào tạo không có địa chỉ thì có phải lãng phí, mà sinh viên ra trường lại không dùng được.
Về cơ chế đặt hàng, Nhà nước thiết kế cơ chế phân phối lợi nhuận, còn người trực tiếp phân phối lợi nhuận nên là doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước.
Doanh nghiệp có nhu cầu về một nghiên cứu nào đó thì đặt hàng các viện bằng cơ chế thị trường, lúc đó sẽ thoát khỏi việc chi tiêu ngân sách.
Nếu không thay đổi mà vẫn kiểu hóa đơn, quyết toán đơn thuần như chi ngân sách thì không làm khoa học công nghệ được.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu trình bày về xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu: Tôi xin có một số ý kiến về xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là giải pháp đầu tiên và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp, biện pháp để các giải pháp mang tính đột phá trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03 của Chính phủ trở thành hiện thực.
Trong hoàn thiện thể chế pháp luật, chúng ta cũng nên thay đổi như sau: Mục tiêu xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật không chỉ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế mà phải là tiền đề pháp lý để xây dựng các giải pháp đột phá để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, nội dung xây dựng hoàn thiện thể chế về khoa học công nghệ không gói gọn trong Luật Khoa học công nghệ, nên nếu chỉ sửa Luật này thì không giải quyết được vấn đề, mà phải sửa đồng bộ hệ thống pháp luật ở những quy định có liên quan đến khoa học công nghệ. Ví dụ các vấn đề về đầu tư, tài chính, thuế, sở hữu trí tuệ, xây dựng, chia sẻ dữ liệu, về đào tạo nhân lực, thu hút sử dụng nhân lực chất lượng cao, giải quyết chính sách thi đua, khen thưởng…
Thứ ba, xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cần dựa trên đổi mới tư duy quản lý hoạt động khoa học công nghệ cũng như đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, những tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trên nhiều diễn đàn và ở nhiều bài viết trong thời gian gần đây, đặc biệt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều tư tưởng mới.
Thứ tư là quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật cần thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả với vai trò chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phải có đầu mối để điều phối công việc. Tôi cho rằng không có bộ nào phù hợp hơn Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời phải có sự vào cuộc đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao, sự phối hợp của các bộ, ngành.
Từ rất sớm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, 2 viện hàn lâm rà soát quy định hiện hành, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, các giải pháp toàn diện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam đã rà soát, chỉ ra vướng mắc, hạn chế, đề xuất rất cụ thể cần sửa đổi quy định nào, trong luật nào. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo giao các bộ liên quan nghiên cứu báo cáo của Viện.
Tôi xin kiến nghị cụ thể như sau: Thứ nhất, để hoàn thiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ phải sửa rất nhiều luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép 1 luật sửa nhiều luật. Nên có 1 luật sửa tất cả các quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan đang có khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ để thực hiện đồng bộ.
Thứ hai, phải sớm xây dụng và ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với công nghệ sản phẩm dịch vụ kinh doanh mới.
Thứ ba, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thi hành pháp luật, nên chăng có một đầu mối theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Cuối cùng, tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ đi đôi với phát sinh nhiều vấn đề văn hoá, công bằng xã hội, chúng ta cũng phải có biện pháp ứng phó, cần đề cao vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn.
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân: Hôm nay tôi xin phát biểu 2 ý: Thứ nhất là kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cấu trúc nghiên cứu về khoa học công nghệ và thứ hai là việc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
Tháng 12/2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch đổi mới quản lý và tài chính cho các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước của họ. Mục tiêu quan trọng của kế hoạch này là tích hợp, thống nhất các chương trình nghiên cứu đang nằm rải rác ở các bộ, ban, ngành khác nhau của Chính phủ để tránh chồng chéo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Kết quả của kế hoạch này là hơn 100.000 chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cấp quốc gia đã được gom lại thành 5 trụ cột: Thứ nhất là quỹ khoa học quốc gia tài trợ cho nghiên cứu cơ bản; thứ hai là các siêu dự án khoa học công nghệ quốc gia; thứ ba là chương trình AI trọng điểm quốc gia; thứ tư là quỹ đổi mới sáng tạo, đổi mới về hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp; thứ năm là chương trình tài năng, tức là nuôi dưỡng, bồi dưỡng các tài năng.
Như vậy, từ hơn 100.000 chương trình, họ chỉ còn có 5 chương trình. Và một mục tiêu rất quan trọng của kế hoạch này là chuyển từ phân bổ tài trợ do các bộ, ban, ngành quản lý sang dựa vào các nhà khoa học peer-review để tài trợ. Cái thứ hai quan trọng nữa là họ minh bạch hóa toàn bộ quá trình tài trợ, kết quả nghiên cứu thông qua chuyển đổi số.
Như bây giờ Đại học quốc gia cấp tiền nghiên cứu thì công bố toàn bộ sản phẩm, đề tài trên trang web. Thầy cô nào làm tốt sẽ tiếp tục được làm các đề tài sau, nếu làm không tốt thì thôi. Cách chúng ta minh bạch hóa kết quả nghiên cứu là như vậy.
Về nội dung Đại học Quốc gia TPHCM đăng ký thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Hôm triển khai Nghị quyết, có hơn 1.000 nhà khoa học của Đại học Quốc gia tham dự không phải là đảng viên, tức là các thầy cô rất quan tâm.
Tuần vừa rồi, tôi có tổ chức một buổi đóng góp ý kiến Luật Khoa học công nghệ và cũng rất bất ngờ là phải kê thêm ghế vì hơn 200 nhà khoa học tới dự. Có nghĩa là các nhà khoa học bây giờ rất quan tâm đến Nghị quyết 57.
Đại học Quốc gia TPHCM đã nghiên cứu và thấy Chính phủ giao thực hiện 11 Nghị quyết ở trong đề án, rất nhiều mục tiêu khác nhau. Tôi xin đăng ký một số nội dung chính:
Thứ nhất là vấn đề về đào tạo STEM, Đại học Quốc gia TPHCM có 3 chương trình: Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo về chip bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Trong đó đặc biệt liên quan đến vấn đề khoa học dữ liệu và an ninh mạng. Trung tâm an ninh mạng của Đại học Quốc gia chuyên nghiên cứu về phương án phòng, chống.
Liên quan đến lĩnh vực STEM, hiện nay quy mô đào tạo của Đại học Quốc gia là rất lớn, cả đại học và sau đại học là hơn 100.000, lớn nhất cả nước. Và ngay cả lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch… theo thống kê, cứ 100 kỹ sư thì có 53 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Quốc gia và điểm chuẩn đầu vào rất cao. Năm vừa rồi, chúng tôi mở rộng đào tạo, quy mô tuyển sinh khoảng 400 cho 4 trường nhưng điểm chuẩn đầu vào rất cao so với các đơn vị khác.
Thứ hai là chương trình thu hút nhân tài. Đại học Quốc gia đã xây dựng chương trình và đã tuyển dụng 27 tiến sĩ từ các trường đại học trên thế giới, trong đó có 7 người tốt nghiệp top 100 trường đại học hàng đầu thế giới.
Gần đây, chúng tôi đã công bố chương trình tuyển giáo sư thỉnh giảng, mời các giáo sư, chuyên gia khoa học ở nước ngoài về Đại học Quốc gia trong vòng tối thiểu 10 ngày/1 năm và thực hiện các nghiên cứu giảng dạy từ xa qua mạng, Đại học Quốc gia hỗ trợ nguồn kinh phí.
Việc họ đến Đại học Quốc gia không phải vì tiền bạc mà vì chất xám cho sinh viên và các thầy cô giáo trong hệ thống Đại học Quốc gia. Tức là các thầy cô giáo quan tâm đến tài nguyên và chất xám của sinh viên chứ không phải vì tiền bạc mà họ tới.
Thứ ba là công bố quốc tế. Trong Nghị quyết 57 có nêu đăng ký công bố quốc tế. Hiện nay, công bố quốc tế của Đại học Quốc gia TPHCM khoảng 3.000, như vậy chiếm khoảng hơn 10%, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế.
Thứ tư là vấn đề bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo đúng tinh thần Nghị quyết 57. Rất mong cho các trường như Đại học Quốc gia và các đại học trọng điểm quyền được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì sẽ có cơ hội để thu hút các nhà khoa học đầu ngành về công tác.
Kiến nghị nữa là về đổi mới sáng tạo. Hiện nay với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo với diện tích 42.000 m2. Chúng tôi rất mong Nghị định sắp tới về đổi mới sáng tạo đưa Đại học Quốc gia TPHCM trở thành một trung tâm, chi nhánh hay phân hiệu, cơ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối với vùng Đông Nam Bộ. Đó là một số nội dung chúng tôi đăng ký thực hiện.
Tôi có 3 kiến nghị:
Thứ nhất, phải có cơ chế xã hội hóa đầu tư, để xây dựng Đại học Quốc gia thành một hệ sinh thái. Phải có cơ chế để Đại học Quốc gia huy động được nguồn lực xã hội.
Thứ hai là chính sách đầu tư của các địa phương. Đại học Quốc gia TPHCM nằm ở Đông Nam Bộ thì các địa phương có tiềm năng như TPHCM không thể đầu tư trực tiếp cho đơn vị Trung ương được vì Luật Ngân sách.
TPHCM có chương trình thu hút nhân lực, trả lương cao nhưng Đại học Quốc gia không tận dụng được. Theo tôi, nếu cho phép các đại học như Đại học Quốc gia TPHCM được sử dụng kinh phí từ các địa phương thì sẽ đa dạng hóa được nguồn lực.
Thứ ba là vấn đề về thuế. Trong Nghị quyết 57 nêu rõ, các cơ sở giáo dục đại học không phải đóng thuế doanh nghiệp. Tôi thấy Đại học Quốc gia TPHCM, các trường thành viên vẫn nhận được yêu cầu đóng thuế.
Việc này không phù hợp lắm với các trường đại học phi lợi nhuận vì trong quá trình làm chúng tôi hoàn toàn không tính đến lợi nhuận. Bây giờ tính thuế thì các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đại học rất băn khoăn.
Cuối cùng, để trở thành hệ sinh thái, rất mong các ý của tôi vừa nêu được tích hợp vào trong Nghị định mới về Đại học Quốc gia, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 57, trao quyền tự chủ để 2 Đại học Quốc gia thực sự phát triển.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân: ĐHQG Hà Nội nhất trí với ý kiến đề xuất của Viện Hàn lâm và ĐHQG TPHCM. Hai ĐHQG và Viện Hàn lâm chiếm tỉ trọng rất quan trọng về số lượng các nhà khoa học và các sản phẩm KHCN.
Có lẽ về cơ cấu các nhà khoa học, ĐHQG Hà Nội cũng đứng trong số đầu, chúng tôi có đến 3000 nhà khoa học, đội ngũ trẻ mạnh, kế thừa đội ngũ các nhà khoa học lão thành.
Hiện nay số lượng các sản phẩm KHCN có sự tiến bộ rất nhanh và ĐHQG Hà Nội cũng đã ban hành chiến lược chuyển đổi thành đại học đổi mới sáng tạo cách đây 2 năm. Chỉ số của một đại học đổi mới sáng tạo theo thông lệ quốc tế là đại học vừa giàu vừa mạnh. Muốn đổi mới sáng tạo thì phải có ích hơn với DN, có cơ cấu nguồn thu đến nhiều hơn không phải từ học phí. ĐHQG Hà Nội năm 2024 tổng kết nguồn thu ngoài học phí khoảng 1000 tỷ.
Với cơ cấu như vậy, ĐHQG Hà Nội cùng ĐHQG TPHCM xác định trong chiến lược sắp tới chuyển đổi mô hình đổi mới sáng tạo và thực sự năng động. Do đó cùng với các kiến nghị chung, chúng tôi xin nêu 2 kiến nghị:
Đầu tiên cần đổi mới tư duy quản lý nhà nước với các đơn vị KHCN và GDĐT, vì nếu tiếp cận hiện nay thì sẽ sửa nhiều thứ lắm. Ví dụ như việc chuyển các trường đại học về bộ ngành hay địa phương quản lý không quan trọng bằng việc chúng ta định nghĩa thế nào là tự chủ đại học. Cái này vô cùng quan trọng nên đổi mới sáng tạo làm sao phải gắn với các đại học, các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu phải hoạt động mang cơ chế doanh nghiệp nhiều hơn, như thế sẽ giải quyết được bài toán tự chủ hơn.
Hiện nay trong dự thảo nghị quyết, chúng tôi rất mừng các đơn vị đóng góp ý kiến được tiếp thu rất cao và dự thảo nghị quyết lần này tháo gỡ rất nhiều về cơ chế sử dụng con người, sử dụng tài sản công, đầu tư tài chính và đặc biệt là cơ chế đầu tư mạo hiểm đối với KHCN. ĐHQG Hà Nội cho rằng nếu dự thảo nghị quyết lần này được thông qua sẽ tháo gỡ cơ bản. Tuy nhiên ở đây phải thực sự đổi mới, điểm nhấn đầu tiên là đổi mới về tư duy. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc, khi đổi mới thì người ta coi đại học, các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu thực sự tự chủ cao. Tự chủ cao là quyền quyết định lớn về đầu vào và đầu ra, đặc biệt chỉ tiêu hiệu quả là quan trọng. Nó cũng tránh tình trạng nghiên cứu rất nhiều, công bố rất nhiều nhưng việc chuyển giao thực sự lại khó khăn. Trong việc tự chủ, để giải quyết bài toán hiệu quả thì việc hợp tác với doanh nghiệp là đương nhiên. Việc tìm đến doanh nghiệp hợp tác là tự nguyện và đôi bên cùng có lợi.
Thứ hai là cơ chế tài chính đối với KHCN. ĐHQG Hà Nội đã báo cáo và làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ KH&CN. Cơ bản hiện nay quản lý KHCN cần có sự đổi mới. Cách tiếp cận hiện nay là các đề tài nhỏ thì đơn vị nhỏ quản lý, đề tài lớn thì cấp lớn, cấp bộ quản lý cấp bộ, cấp đại học quản lý đề tài cấp đại học... Tuy nhiên, quy trình quản lý không khác gì nhau, chỉ khác về quy mô. Như vậy cách chúng ta tiếp cận các đề tài, các chương trình rất ngắn hạn. Hình dung là các nhà khoa học phải chạy theo việc hoàn thành đề tài này xong tìm đề tài khác. ĐHQG Hà Nội cho rằng cần có cơ chế tài chính đầu tư mang tính chất dài hạn hơn. Nhóm nghiên cứu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, phải được đầu tư bài bản trong nhiều năm để có thể triển khai chứ không thể đặt hàng theo các đề tài mà đề tài theo các chương trình; mỗi người lo đề tài này lại lo đề tài khác rất mất công sức.
Để giải quyết vấn đề này, ĐHQG đã thí điểm đầu tư nhóm nghiêm cứu mạnh trong chu kỳ 5 năm. Nhưng để làm được điều đó thì lại vướng mỗi năm phải xác định một đề tài, để tiếp tục chi phí theo đề tài. Như vậy rõ ràng cơ chế tài chính phải chuyển từ đầu tư theo đề tài hiện nay sang đầu tư theo mục tiêu. Chương trình mục tiêu quốc gia chúng ta đang đi rất phù hợp với việc chúng ta đổi mới cơ chế tài chính này; khi đó sẽ giải quyết bài toán. Ví dụ hằng năm một ĐHQG trung bình được 75 tỷ, thì chúng ta định hình trong 5 năm tới, mỗi năm được tự chủ, cấp kinh phí bao nhiêu tiền trong nhóm nghiên cứu này. Định kỳ 3 năm phải đánh giá, kiểm đếm được để bảo vệ ngân sách chu kỳ 3 năm tiếp theo. Bài toán này, cơ chế tài chính mới đảm bảo được.
Về thực hiện Nghị quyết 57, ĐHQG Hà Nội xác định 3 trụ cột và hiện nay dự thảo kế hoạch đã được ban hành. Trụ cột đầu tiên là nguồn nhân lực, phải tăng cường. Năm 2021, ĐHQG Hà Nội có quy mô đào tạo ngành kỹ thuật công nghệ chiếm khoảng 17%, năm nay đã chiếm 35% trong quy mô tuyển sinh và dự kiến trong 2 năm , để triển khai nghị quyết thì sẽ chiếm khoảng 50%. Như vậy với quy mô của ĐHQG Hà Nội với khoảng 80.000 sinh viên thì hằng năm sẽ có 40.000 đến 45.000 sinh viên đào tạo trong lĩnh vực KHCN, có thể nói đẩy nhanh tiến độ, tốc độ, đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ hai, ĐHQG Hà Nội cho rằng phải giữ được các trụ cơ bản, do đó tập trung cho 28 ngành cơ bản, trong đó tập trung đầu tư cho lĩnh vực này.
Chương trình thứ ba rất quan trọng là chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu ra phải hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó có hai trụ cột tập trung: Một là hợp tác với các doanh nghiệp lớn để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; thứ hai là đầu tư công viên đổi mới sáng tạo công nghệ cao với diện tích khoảng 110.000 m2 sàn đang khởi công, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thực hiện nghị quyết này, tôi cũng đề nghị trong kế hoạch phải chú trọng nhiều hơn, khởi động lại mạnh hơn chương trình khởi nghiệp, start-up và đổi mới sáng tạo. Bởi vì doanh nghiệp lớn rất quan trọng nhưng hệ sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo quốc gia thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng quan trọng. Bài toán này cũng giúp chúng ta phát triển bền vững hơn. Do đó việc phát triển các vườn ươm KHCN và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách để ươm tạo và hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp nhỏ, là bài toán rất tốt. Một doanh nghiệp nhỏ tìm được 2 tỷ để làm vốn đầu tư rất khó khăn nhưng hợp tác với một đại học để có đề tài nghiên cứu thì lại rất dễ và có thể chuyển giao và triển khai tốt.
Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo: Google sẵn sàng cung cấp cho toàn bộ học sinh, giáo viên tại Việt Nam tài khoản truy cập miễn phí gói giải pháp Google Works, Google Space (không gian làm việc Google), cũng như Google Classroom - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Giám đốc Google Việt Nam Marc Woo: Tôi rất hoan nghênh các mục tiêu khoa học công nghệ đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam thông qua Nghị quyết 57. Đối với Google, Việt Nam rất quan trọng và chúng tôi cam kết tiếp tục các chương trình kiến tạo cho Việt Nam với Google AI.
Tôi cũng muốn nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đã đồng hành với các sáng kiến và đầu tư mà Google đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Trí tuệ nhân tạo có nhiều bước tiến và phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên để đi tắt đón đầu thì việc có được một lực lượng tri thức, lao động cũng như doanh nghiệp lành nghề, thành thạo công nghệ AI là vô cùng quan trọng. Và để cụ thể hành động, Google đã chỉ ra 4 không gian chúng ta có thể hợp tác sau đây:
Không gian thứ nhất là các mô hình AI. Chúng ta biết dữ liệu và mô hình là 2 yếu tố quyết định sức mạnh của một công nghệ AI. Trong nhiều năm qua Google đã dành nhiều nguồn lực xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn, và các mô hình ngôn ngữ lớn này chỉ phát huy được hết tác dụng khi chúng được đào tạo bằng nguồn dữ liệu, đặc biệt là tiếng Việt đa dạng và chất lượng cao.
Do đó, chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ, các tổ chức, các trường đại học để cùng phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, hiện đại và mang đậm tinh hoa tiếng Việt.
Điểm thứ hai liên quan đến lực lượng lao động. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các học bổng, tiếp tục các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng AI cho bất cứ cá nhân nào có đủ điều kiện. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.
Điểm thứ ba liên quan đến học sinh, sinh viên và giáo viên. Đội ngũ này rất cần các công cụ học tập và giảng dạy được hỗ trợ bằng AI.
Google sẵn sàng cung cấp cho toàn bộ học sinh, giáo viên tại Việt Nam tài khoản truy cập miễn phí cho gói giải pháp Google Works, Google Space (không gian làm việc Google), cũng như Google Classroom (lớp học Google). Những công cụ này được hỗ trợ bởi AI sẽ cho phép giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp xúc với AI từ rất sớm.
Điểm cuối cùng, chúng tôi rất hoan nghênh và muốn chỉ ra rằng Chính phủ đóng vai trò quan trọng, then chốt chốt trong việc hỗ trợ phát triển các ứng dụng về AI.
Theo kinh nghiệm thực tiễn Google làm việc với nhiều quốc gia, chúng tôi ghi nhận tích cực việc Chính phủ xây dựng một bộ dữ liệu quốc gia mở và cho phép doanh nghiệp cũng như các tập thể có thể xây dựng ứng dụng AI có ích và có trách nhiệm trên cơ sở bộ dữ liệu này.
Chúng tôi sẵn sàng trao đổi và chia sẻ những bài học, kinh nghiệm này với Chính phủ Việt Nam. Nếu có sự chung tay, chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp cho Việt Nam.
Chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác với Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức giáo dục và Google rất mong muốn được chung tay đóng góp giúp Việt Nam tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ngoài các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới thì việc phát triển nguồn nhân lực phát triển nhân tạo ngay tại trong nước cần được hỗ trợ của Nhà nước.
Hiện nay, chúng ta đều thấy phản ánh của thị trường về khan hiếm nhân lực AI ở mọi cấp độ trong nhiều công đoạn như: Khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể khi AI đi vào các chuyên ngành, chúng ta lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI: Sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông… Do đó chúng ta sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.
NVIDIA có chương trình Học viện Deep Learning (DLI). Chương trình này của NVIDIA hiện cung cấp cả giáo trình, công cụ và tài nguyên xử lý đồ họa trên đám mây miễn phí cho các trường đại học sử dụng để đào tạo sinh viên theo 6 học phần khác nhau như Machine learning/deep learning, Datascience, Largle Language Model… Các chương trình được thường xuyên cập nhật, giáo trình được cung cấp miễn phí cho các đại học, cơ sở đào tạo sử dụng.
Thực tế hiện nay, NVIDIA đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước và các doanh nghiệp như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, FPT… để đào tạo sinh viên.
Ví dụ, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trí tuệ Nhân tạo đã hoàn thành đào tạo và cấp chứng chỉ cho 60 sinh viên (hoàn toàn miễn phí) học phần Đào tạo cơ bản Deep Learning trong 6 tháng.
Hay tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chương trình này được đưa vào xương sống đào tạo AI cho sinh viên của trường. Hay FPT Software cũng đã nhận hơn 6.000 chứng chỉ Deep Learning của NVIDIA trong 4 tháng.
Tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt do kỹ sư FPT Software có trình độ cao cao và là trường hợp đào tạo nâng cấp từ nền tảng các kỹ sư đang làm việc software và AI. Điều này chứng tỏ chương trình có thể phục vụ được tốt cả 2 mục tiêu: Đào tạo số lượng lớn và đào tạo chuyên sâu.NVIDIA sẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp khác của Việt Nam triển khai chương trình.
Thông qua việc triển khai gần 2 năm, NVIDIA mong muốn được đào tạo số lượng lớn và chuyên sâu cho Việt Nam cũng như có một số chia sẻ như sau:
Để đào tạo số lượng lớn và chất lượng chúng ta cần số lượng giảng viên có chất lượng cao và cần áp dụng phương thức "train the trainner", cũng như kết hợp giữa phương pháp đào tạo tự học và giáo viên hướng dẫn.
Thứ hai, chương trình cần đào tạo ở cả 3 lĩnh vực: Nâng cấp (upscaling), đào tạo lại (reskilling) nhân lực IT đang có cho các đơn vị công lập, doanh nghiệp, startup; Đào tạo mới cho sinh viên đại trà; Đào tạo chất lượng cao mũi nhọn (NVIDIA có chương trình riêng đang làm việc cùng Bộ GD&ĐT, một số UBND thành phố, các doanh nghiệp lớn).
Thứ ba, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên. Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên để có thể nâng cao số lượng giờ giảng dạy,
Tiếp theo thành công trong việc phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) năm vừa qua đặc biệt triển khai các đề xuất của Thủ tướng và CEO của NVIDIA, chúng tôi mong muốn được phối hợp với NIC trong việc triển khai, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đồng hành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won: Samsung luôn nỗ lực và đầu tư cho các hoạt động đào tạo nuôi dưỡng nhân tài khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, tôi xin phép được trình bày về 2 nội dung, bao gồm: Kết quả đào tạo phát triển nhân tài của Samsung Việt Nam trong thời gian qua và một số đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao trong thời gian tới.
Thời gian qua, Trung tâm R&D Samsung Việt Nam đã trao tặng 875 suất học bổng cho sinh viên tài năng ngành CNTT, tổ chức các khóa học về lập trình cho hơn 25.000 sinh viên, tổ chức chương trình thực tập doanh nghiệp về công nghệ phần mềm và phần cứng tại Trung tâm cho khoảng 2.400 sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, Samsung đã tài trợ phòng lab và trang bị hơn 700 máy tính cho các trường đại học nhằm cải thiện môi trường đào tạo CNTT, hợp tác triển khai các dự án nghiên cứu, cũng như tài trợ cho các cuộc thi lập trình dành cho sinh viên.
Samsung tổ chức cuộc thi "Solve For Tommorrow" nhằm nâng cao năng lực giải quyết vấn đề dựa trên việc vận dụng kiến thức STEM dành cho thanh thiếu niên được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 470.000 học sinh đăng ký tham gia.
Chương trình Samsung Innovation Campus (SIC) cung cấp các khóa học miễn phí như Khóa học Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Khóa học kỹ năng Lập trình cơ bản (Coding & Programming – C&P).
Từ năm 2019 đến nay đã có hơn 12.000 học viên tham gia. Samsung đã tài trợ phòng học SIC tại Hoà Lạc, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để tổ chức các khóa đào tạo của chương trình SIC dành cho học sinh và sinh viên. Những bạn học sinh, sinh viên tham gia các chương trình này của Samsung sẽ trở thành những nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai.
Trung tâm R&D Samsung Việt Nam sẽ nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua việc mở rộng và chuyên môn hóa các chương trình hợp tác với các trường đại học trong hoạt động đào tạo nhân tài.
Tôi cũng xin trình bày một số đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cụ thể như sau:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần phải tạo dựng nguồn nhân lực chuyên môn để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...
Thứ hai, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định lâu dài tại Việt Nam.
Tôi mong rằng những chính sách này cũng sẽ được áp dụng cho đội ngũ nhân lực xuất sắc được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tuyển chọn và những chuyên gia được các doanh nghiệp cử sang Việt Nam làm việc trong các dự án công nghệ cao.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyển khích các doanh nghiệp FDI tích cực tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.
Tôi tin rằng nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục cấp phép và có những chính sách ưu đãi dành cho doanh nguyệp FDI khi đầu tư vào các dự án công nghệ cao thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung tâm của ngành công nghệ cao trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, rà soát, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đôn đốc thực hiện, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lưạ chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao có 3 ý nghĩa quan trọng: Góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững; góp phần nâng cao năng suất lao động tổng hợp của toàn xã hội; nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập của nền kinh tế quốc gia.
Đánh giá kết quả, hiệu quả thời gian qua trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, như đổi mới tư duy trong và phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, góp phần xoá đói giảm nghèo, đưa đất nước thoát nghèo; tập trung cho 3 đột phá chiến lược, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo đà, tạo lực, tạo thế đưa đất nước trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, rồi nhìn xa, trông rộng hơn là trở thành đất nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, những kết quả đạt được so yêu cầu phát triển và quyền hưởng thụ của người dân thì chưa được cao.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định rất rõ các nhóm nhiệm vụ với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững. Điều này phải ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam; lấy thành quả đã đạt được, người dân được thụ hưởng để tuyên truyền, nhất là về cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, quang điện tử.
Thứ hai, rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.
Trong đó, khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ tại Kỳ họp tháng 5.
Thứ ba, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hoá, công nghiệp văn hoá, giải trí; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng phải bao trùm, toàn diện trên các lĩnh vực trên cả nước.
Thứ tư, phải đa dạng hóa các nguồn lực gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và trong xã hội; nguồn hợp tác công tư, xã hội hóa; nguồn đi vay, phát hành trái phiếu Chính phủ. Muốn phát triển lĩnh vực, ngành nào thì phải có cơ chế chính sách, huy động nguồn lực để ưu tiên phát triển ngành đó.
Thứ năm, đổi mới và đa dạng hoá các hình thức đào tạo; đào tạo từ cấp phổ thông đến đại học, trên đại học, đào tạo bổ sung, đào tạo chuyên gia, đào tạo kỹ thuật, đào tạo trong nước và ngoài nước, thuê chuyên gia, hợp tác đào tạo, xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo, thu hút đào tạo…
Thủ tướng nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ sáu, quản trị phải thông minh, tối ưu hoá quản lý, xoá bỏ cơ chế xin-cho, thủ tục rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm; quản lý đánh giá trên hiệu quả tổng thể chứ không phải hiệu quả cục bộ; phát triển đi đôi với bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, tiên tiến nhất để "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" nhanh nhất, nhất là các lĩnh vực xác định ưu tiên. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn trên thế giới có mặt ở Việt Nam.
Thứ tám, các bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết, trước hết, trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", cạnh tranh lành mạnh và hợp tác hiệu quả; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán, quyết liệt trong tổ chức hành động; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm"; đã bàn là thông, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, hiệu quả, cụ thể, cân đong đo đếm được. Ai làm tốt phải khen thưởng, khuyến khích, ai làm không tốt phải đứng sang một bên.
Thứ chín, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực ở khắp thế giới trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hoà Lạc, Hà Nội./.