Ngày 1/7, UBND TP Đà Lạt cho biết, đã yêu cầu lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Lạt, UBND phường 10 quán triệt cán bộ, công chức, viên chức phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan tới vụ sạt lở bờ taluy tại đường Hoàng Hoang Thám, phường 10, TP Đà Lạt cho cơ quan Cảnh sát điều tra khi có yêu cầu.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu cán bộ, viên chức, công chức không được đi khỏi địa bàn TP Đà Lạt.
Nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra (kể cả ngoài giờ hành chính, thứ Bảy và Chủ nhật) cho đến khi kết thúc cuộc điều tra các nội dung có liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu vực, khoanh vùng nguy hiểm; di dời, hỗ trợ người dân tại khu vực sự cố; ngăn chặn người không phận sự tiếp cận khu vực, thực hiện giải pháp ngăn dòng, tạo dòng nước tập trung vị trí sự cố; có các biện pháp ngăn nước thấm xuống đất tại khu vực; đồng thời, có giải pháp giảm tải áp lực sau lưng kè chắn đất,...
Tiếp tục tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, cứu chữa đối với gia đình có người bị thương; nhất là gia đình có người không may bị tử nạn.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá, tổ chức giám định để xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực hẻm đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, thành phố Đà Lạt theo quy định.
Sau khi có kết quả nguyên nhân sự cố sạt lở công trình nêu trên, tham mưu UBND tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch, cấp phép xây dựng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan trong quản lý hoạt động xây dựng, quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành phố kích hoạt phương án sẵn sàng ứng trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện ở mức cao nhất; chủ động phương tiện, máy móc, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra trên địa bàn.
Khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, công trình khi mưa lớn kéo dài; nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, khu vực khai thác khoáng sản,... để chủ động sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, có các phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trên địa bàn quản lý khi có sự cố xảy ra.
UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kích hoạt phương án sẵn sàng ứng trực ở mức cao nhất; chủ động phương tiện, máy móc, thiết bị và lực lượng để tập trung triển khai phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc trong công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời, sơ tán người dân, tài sản phương tiện trong các khu vực nguy hiểm, khu vực xảy ra sự cố trên địa bàn quản lý.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả và chủ động thực hiện việc ứng phó sạt lở đất, công trình trong mùa mưa bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn lao động và cứu hộ cứu nạn trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh;
Chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai và triển khai các giải pháp để thực hiện công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão; công tác phòng, chống sạt trượt và đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Liên quan tới vụ sạt lở bờ taluy khiến 2 người tử vong, làm một số người khác bị thương, vùi lấp hoàn toàn 1 căn biệt thự, gây hư hỏng toàn bộ 1 căn biệt thự khác và làm 2 căn nhà kề đó bị hư hỏng một phần vào lúc 3h sáng ngày 29/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND TP Đà Lạt tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ sập bờ taluy, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ kích hoạt phương án sẵn sàng ứng trực ở mức cao nhất; cán bộ Ban chỉ huy không nghỉ phép trong mùa mưa bão để kịp thời xử lý các tình huống đột xuất phát sinh.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc dừng việc cấp phép đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách, nhà ở do người dân đầu tư) tại các khu vực có mái taluy âm/dương cao, độ dốc lớn có nguy cơ mất an toàn để đánh giá, đưa ra các giải pháp thiết kế, thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình tại khu vực này trước khi cấp phép xây dựng.
Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách, nhà ở do người dân đầu tư) trên địa bàn đã được cấp phép xây dựng tại khu vực có mái taluy âm/dương cao, độ dốc lớn đánh giá, thẩm định an toàn kết cấu móng, các giải pháp, biện pháp thi công công trình tại khu vực.
Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 08/7/2023 và cêu cầu các chủ đầu tư đang thi công các công trình tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt trượt đất, công trình dừng thi công để đánh giá mức độ an toàn kết cấu công trình để đưa ra các biện pháp thi công đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công.
Đồng thời, tuyệt đối không bố trí lán trại, công trình tạm phục vụ thi công công trình tại các điểm, khu vực có độ dốc lớn, nguy cơ sạt trượt đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản thi công công trình và khu vực xung quanh.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ.
Nội dung công điện nêu rõ, trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ.
Sáng sớm ngày 29 tháng 6 năm 2023 đã xảy ra vụ sạt lở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 02 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân gia đình có người bị nạn.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Cụ thể Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả./.