In bài viết

Thông qua chủ trương hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

12:18 - 19/04/2025

(Chinhphu.vn) - Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua chủ trương hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu- Ảnh 1.

Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình của UBND TPHCM

Sáng 18/4, tại Kỳ họp lần thứ 22, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân Thành phố tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được thông qua, Thành phố Hồ Chí Minh mới là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm Thành phố Hồ Chí Minh, hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở; bảo đảm sau sắp xếp Thành phố Hồ Chí Minh mới là thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đầu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh mới có diện tích tự nhiên 6.772,59 km2 và quy mô dân số 13.706.632 người.

Đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh, đề án nêu rõ: Trước khi sắp xếp, Thành phố có 273 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn). Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 78 phường và 24 xã), đạt 37,36%, giảm 171 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 132 phường, 34 xã, 5 thị trấn), đạt 62,64%,

Đáng chú ý, trong các đơn vị hành chính cấp xã mới, có một số phường được đặt tên dựa theo các địa danh ghi dấu ấn lịch sử và văn hóa đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh như phường Sài Gòn (gồm phường Bến Nghé và một phần diện tích phường Đa Kao, Nguyễn Thái Bình, Quận 1); phường Chợ Lớn (gồm các phường 11, 12, 13, 14 của Quận 5); phường Gia Định (gồm phường 1, 2, 7, 17 của quận Bình Thạnh)...

Cùng với đó, tên của một số quận huyện, thành phố Thủ Đức cũng được giữ lại, đặt tên cho các phường mới như Thủ Đức, Phú Nhuận, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Cần Giờ...

Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng Thành phố và Sở Giao thông công chánh Thành phố; đổi tên Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thành Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố./.