Toàn cảnh Phiên họp
Ngày 10/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 31 để thẩm tra một số dự án Luật, dự thảo nghị quyết. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị nội dung phục vụ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 31 để thẩm tra 09 nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.
Cụ thể: Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; thẩm tra 02 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng thời, thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); thẩm tra 03 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết có liên quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 Điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định hiệu lực thi hành.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật liên quan tới phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội;...
Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội gồm 3 điều. Trong đó, xác định số lượng, tên gọi của các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 07 Ủy ban.
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan này, bảo đảm phân định rõ phạm vi lĩnh vực phụ trách và bao quát toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo quy định hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chính thức đi vào hoạt động;...
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình tóm tắt
Về dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự kiến gồm 6 chương, 26 điều với các nội dung cơ bản như: Quy định về cơ cấu tổ chức và nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về Vụ chuyên môn và việc bảo đảm điều kiện hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, dự thảo các Nghị quyết có liên quan với các lý do được nêu trong các Tờ trình.
Nội dung của dự thảo Luật, dự thảo các Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ dự án Luật và các dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ và bảo đảm chất lượng theo đúng quy định, đủ điều kiện trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến đối với một số nội dung cụ thể như: quy định về phân định được thẩm quyền của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội;...
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, các ý kiến cơ bản tán thành phương án sắp xếp, tinh gọn các cơ quan của Quốc hội như được nêu tại Tờ trình.
Để kịp thời triển khai các công tác cần thiết cho hoạt động của các cơ quan của Quốc hội sau sắp xếp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngay sau khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua.
Liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội theo hướng kế thừa và tiếp nhận nguyên trạng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như trước khi thực hiện sắp xếp là phù hợp; thực hiện điều chỉnh một số lĩnh vực, nội dung công việc giữa một số cơ quan cần bảo đảm tính cân đối, hài hòa; rà soát để bảo đảm không bỏ trống, trùng lắp về lĩnh vực, nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận
Kết thúc nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của Ban soạn thảo. Hồ sơ dự án Luật và các dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ và bảo đảm chất lượng theo đúng quy định.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi, nội dung trọng tâm tại dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng phân tích một rõ một số nội dung cụ thể được nêu tại phiên họp liên quan tới quy định về đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; quy định tại khoản 2 – Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội;...
Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện các Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tóm tắt
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trình bày Tờ trình tóm tắt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết được bố cục gồm 15 điều, với các nội dung cơ bản quy định về nguyên tắc chung trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy
Cho ý kiến về nội dung này, các ý kiến tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật; dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đồng thời, các đại biểu cũng đồng tình việc xác định phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước và bao quát đầy đủ các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ngoài ra, các đại biểu lưu ý, tiếp tục xem xét bổ sung nội dung hướng dẫn về thủ tục đề nghị, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đề nghị và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong việc tiếp nhận, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm rõ ràng, thuận tiện trong quá trình thực hiện.
Rà soát các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, đặc biệt là thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp ban hành trước đó./.