In bài viết

Thị trường trái phiếu 2023: Dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ

06:46 - 06/12/2023

(Chinhphu.vn) - Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2023, để đánh giá khách quan tổng thể kết quả về thị trường trái phiếu đã đạt được, ngoài con số đã trao đổi, có dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nổi bật so với trước đây.

Thị trường trái phiếu 2023: Dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (trái) và ông Phan Đức Hiếu (phải) chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm - Ảnh: VGP

Tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 4/12, theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2023, để đánh giá khách quan tổng thể kết quả về thị trường trái phiếu đã đạt được, ngoài con số đã trao đổi, có dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nổi bật so với trước đây.

Đặc biệt, với thị trường trái phiếu, sự quyết tâm, quyết liệt thể hiện rõ qua các hành động. Ví dụ, sau khi Nghị định 65 có hiệu lực thi hành khoảng 6 tháng, nhận diện có vấn đề trong bối cảnh vừa qua, Chính phủ đã kịp thời có Nghị định 08. Đây là hành động linh hoạt, quyết đoán.

Hay hơn 1 tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1177 xác định đúng vấn đề, đưa ra các giải pháp rõ ràng cả 2 chiều: Một là thúc đẩy phát triển thị trường TPDN bền vững, hai là xử lý vấn đề còn tồn tại của thị trường.

Theo ông Hiếu, có 3 điểm nhấn của Công điện. Thứ nhất, Công điện có cách tiếp cận rất hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu, mà cả thị trường liên thông với thị trường trái phiếu.

Thứ hai là vấn đề bất động sản, lĩnh vực hấp thụ vốn trái phiếu riêng lẻ. Thứ ba, vấn đề vốn tín dụng liên thông nhau. Có chỉ đạo khơi thông đầu ra, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có đầu ra bền vững...

Như vậy, cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ. Về thời gian, Công điện có các giải pháp ngắn và dài hạn, ví dụ các vấn đề trái phiếu đã phát hành, hay phát hành mới... Các nhóm giải pháp đầy đủ. Về thể chế, giao Bộ Tài chính rà soát các thể chế hiện hành kể cả Nghị định 08, để cần thiết sửa đổi các quy định của luật pháp.

Về thực thi, thời gian qua có nhiều vấn đề, phải tăng cường. Công điện cũng nói chủ động, kịp thời giám sát, phát hiện, thông báo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi...

Giải pháp toàn diện là thông tin tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức với thị trường mới nổi. Có thể nói, cách tiếp cận Công điện 1177 được triển khai quyết liệt, quyết tâm, hệ thống, đồng bộ, toàn diện...

 Nghị định 08 là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ

Phát biểu tại Tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, trong tất cả những nhóm chính sách vừa qua chúng ta vừa chia sẻ và thống nhất, có 2 cái được rất lớn cần rút ra bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, với Nghị định 08, ông Lực cho rằng đây là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là BĐS hoặc thứ khác, cái này chưa từng có. Đây là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường BĐS.

Thứ hai là là tính liên thông như ông Hiếu nêu. Tính liên thông giữa thị trường tài chính và BĐS, tức là song song với Nghị định 08 phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường BĐS.

Với hai thị trường này Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua.

"Tôi nghĩ là đảm bảo tính đồng bộ như anh Hiếu nêu, đặc biệt giữa tài chính và BĐS. Cái này cần phải rút kinh nghiệm rất quan trọng cho điều hành thời gian tới". Ông Lực chia sẻ.