In bài viết

Thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

20:46 - 09/05/2025

(Chinhphu.vn) - Đến nay Bộ Tài chính đã cố gắng thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW mà thấy rất rõ và làm được ngay. Có những vấn đề cần thời gian nghiên cứu để đạt độ "chín" thì sẽ thể hiện ở các Luật.

Thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân- Ảnh 1.

Bà Bùi Thu Thủy: Đến nay chúng tôi đã cố gắng thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà mình thấy rất rõ và làm được ngay - Ảnh VGP/Nhật Bắc

 Chia sẻ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đưa tối đa vào dự thảo khoảng 9-10 nhóm chính sách đã nêu trong Nghị quyết. 

Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo chương trình hành động của Chính phủ.

 Ví dụ như những vấn đề trong Nghị quyết 68 nêu nguyên tắc xử lý sai phạm trong phân định hành chính dân sự kinh tế và hình sự. Hay là quy định thanh tra đối với doanh nghiệp chỉ tiến hành một lần trong một năm. Trong Nghị quyết đã nói như thế và hiện nay Luật Thanh tra chưa có quy định này. 

"Chúng tôi muốn sớm sửa Luật Thanh tra, khẳng định nếu không có vi phạm thì chỉ kiểm tra một năm một lần", bà Thủy chia sẻ.

Cũng theo bà Thủy, về tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp trong KCN thì cũng đã được thể chế hoá. Các vấn đề KHCN cũng đưa vào dự thảo Nghị quyết, các chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện R&D sẽ được tính thành 200% khi xác định để tính thuế TNDN. Có nghĩa rằng doanh nghiệp bỏ 1 đồng thì chi phí doanh nghiệp được trừ khi xác định thuế là 2 đồng. So với truớc đây, các nghị quyết đặc thù thì doanh nghiệp mới được 150%.

Hoặc miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp, miễn phí, lệ phí môn bài từ năm 2026 cũng đã được dự kiến. Hay những chính sách sẽ triển khai ngay những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ 10.000 CEO, hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra quốc tế,… Những điều này được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở và sẽ trình ngay Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động.

Hay những quy định chính sách về đặt hàng, chỉ định những doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia. Hay như Thủ tướng Chính phủ nói kể cả an ninh quốc phòng, không cần phải Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề xuất mà doanh nghiệp tự thấy doanh nghiệp làm được lĩnh vực đó thì đề xuất, và nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp.