Theo Bộ Tài chính, tiễn công tác quản lý, điều hành giá đã cho thấy vai trò quan trọng thiết yếu của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường. Đây là nghiệp vụ quản lý nhà nước thường xuyên phải thực hiện với sự chính xác và tính kịp thời đối với các biến động của thị trường.
Việc tổng hợp, phân tích, dự báo về giá sẽ làm cơ sở cho các cấp thẩm quyền và Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra kịch bản điều hành cũng như đưa ra các chính sách, biện pháp bình ổn giá thị trường.
Qua tổng kết đánh giá công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng, các nhiệm vụ triển khai hiện nay còn mang tính giao việc hành chính, chưa có quy phạm có tính nguyên tắc, đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu điều hành, quản lý giá của Chính phủ.
Ngoài ra, phản ứng chính sách của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô điều tiết, bình ổn thị trường khi có biến động bất thường còn chậm.
Cơ chế phối hợp trong triển khai nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo để làm nền tảng cho công tác chỉ đạo, điều hành chưa có nền tảng pháp lý trong Luật Giá, dẫn đến hiệu lực triển khai còn hạn chế, có độ trễ về cung cấp thông tin và chất lượng thông tin cũng như chưa xác định được trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra biến động bất thường về giá.
Cụ thể, tại Luật Giá chưa có quy định về việc sử dụng chỉ số giá trong công tác quản lý nhà nước.
Hiện nay một số pháp luật chuyên ngành có quy định về việc sử dụng chỉ số giá để điều chỉnh dự toán, giá cả, mức đầu tư... như: Luật Đầu tư công quy định việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công trong một số trường hợp được thực hiện khi chỉ số giá có biến động lớn.
Đó là, khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ số giá đề điều chỉnh dự toán, vốn,... cần được nghiên cứu gắn với phương pháp xác định chỉ số giá đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường và gắn với hiệu quả tài chính, đặc biệt tránh lãng phí, đội vốn ngân sách nhà nước…
Thể chế hóa công tác dự báo giá cả thị trường
Để khắc phục tình trạng này, tại Luật Giá (sửa đổi) đã dành hẳn 1 chương về tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; trong đó có 1 điều quy định về kịch bản điều hành giá.
Dự thảo Luật nêu rõ: “Kịch bản điều hành giá là dự báo về diễn biến lạm phát và các giải pháp, biện pháp điều hành giá trong một giai đoạn nhất định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá hàng quý để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp”.
Theo Bộ Tài chính, tại Luật Giá hiện hành đã quy định nội dung quản lý nhà nước về giá gồm công tác tổng hợp, phân tích và dự báo giá thị trường, nhưng việc thể chế đối với nhiệm vụ này còn yếu, chưa có những cơ chế rõ ràng, hành lang pháp lý vững chắc để triển khai sâu rộng từ trung ương đến địa phương.
Chính sách về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường và kiểm tra thi hành pháp luật về giá được đề xuất trên cơ sở cụ thể hóa toàn diện quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá về nguyên tắc và nội dung, trách nhiệm triển khai.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, thủ tục, quy trình trong việc thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, công tác kiểm tra thi hành pháp luật trên cơ sở công tác tổng hợp, phân tích, dự báo.
Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo là vấn đề được bổ sung, quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, quy định điều chỉnh rõ các vấn đề đã triển khai có hiệu quả trong thực tiễn gồm mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Các nhiệm vụ phải triển khai về xây dựng báo cáo, kịch bản điều hành giá cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về giá làm nguồn thông tin quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá.
Tại dự thảo luật đã thể chế vai trò pháp lý của các báo cáo đánh giá mặt bằng giá thị trường, báo cáo kịch bản điều hành giá nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và các bộ, ngành.
Trong đó, việc xây dựng kịch bản điều hành giá được quy định là hoạt động trung tâm của nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo. Kịch bản điều hành giá sẽ là cơ sở cho việc đề xuất phương hướng quản lý, điều hành giá trong năm cũng như đề xuất mục tiêu kiểm soát lạm phát cho năm tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngoài ra, tại Điều 40 cũng đã quy định chi tiết quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện; trong đó nhấn mạnh trách nhiệm về phối hợp, cung cấp thông tin về giá cả giữa các bộ, ngành, địa phương.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự báo giá cả thị trường có vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý, điều hành giá.
Việc dự báo sát tình hình thị trường sẽ khiến các cơ quan quản lý chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành. Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Tài chính - cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm rất tốt điều này.
Do đó, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định rõ hơn, chế tài chặt hơn đối với trách nhiệm báo cáo, dự báo của các bộ, ngành, địa phương, để kịp thời báo cáo tổng hợp trình Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là khi giá cả có biến động bất thường, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về giá để phục vụ công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, từ đó đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý giá kịp thời, chính xác.
Các nội dung về Cơ sở dữ liệu về giá cũng được luật hóa và quy định chi tiết. Trong đó đã có chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn khi giao trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu về Quốc gia về giá cho Bộ Tài chính.
Các bộ, ngành có trách nhiệm cung cấp, cập nhật dữ liệu về giá cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (thay vì phải xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá riêng như quy định hiện hành). Việc xây dựng các Cơ sở dữ liệu về giá sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện tại địa phương và tăng cường kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia chung của Chính phủ và cơ sở dữ liệu ngành Tài chính. Mặt khác, giá cả là vấn đề có tính tổng hợp, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của các bộ, ngành, do vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá có tính bao quát, đầy đủ được đánh giá là vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát, đánh giá thi hành Luật Giá và các văn bản hướng dẫn cho thấy, cơ sở pháp lý về nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá còn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quá trình xây dựng, thu thập thông tin từ các bộ, ngành ngoài Bộ Tài chính.
Mặt khác, việc quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá như hiện nay mặc dù tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của các đơn vị trong xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá nhưng thực tiễn cho thấy, hiện nay các bộ, ngành đều chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu về giá đối với ngành, lĩnh vực.
Do đó, việc đặt ra vấn đề xây dựng các cơ sở dữ liệu tại các bộ, ngành là khó khả thi và cần nghiên cứu các giải pháp chính sách nhằm có mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá đảm bảo hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương.