In bài viết

Thẻ căn cước tích hợp những thông tin nào, lợi ích của việc tích hợp?

09:55 - 31/12/2023

(Chinhphu.vn) - Các thông tin tích hợp vào thẻ căn cước là những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thẻ căn cước tích hợp những thông tin nào, lợi ích của việc tích hợp?- Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Căn cước năm 2023 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Những thông tin trên thẻ căn cước hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Điều 18 của Luật Căn cước năm 2023 thì thẻ căn cước có thông tin được in trên thẻ và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.

Cụ thể, thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “CĂN CƯỚC”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng và nơi cấp: Bộ Công an.

Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân, các thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 của Luật. 

Đồng thời, Luật cũng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước; việc mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin.

Việc quy định thông tin trên thẻ căn cước như trên sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp 

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng cho biết, theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp thì thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 

Các thông tin tích hợp vào thẻ căn cước là những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Luật Căn cước quy định việc tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước là để cụ thể hoá nhiệm vụ tại Đề án số 06, nhằm phục vụ mục tiêu đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số. 

Việc tích hợp các thông tin này thực hiện theo đề nghị của công dân hoặc cơ quan cấp, quản lý giấy tờ có thông tin được tích hợp. 

Việc lưu hành, sử dụng các loại giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do công dân hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ đó quyết định. 

Do vậy, việc thực hiện quy định này không gây khó khăn cho công dân và công tác quản lý ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành khác, mà còn tạo rất nhiều thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch thương mại khác.

"Những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. 

Việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân". Thiếu tướng Phạm Công Nguyên chia sẻ.