Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn nữa; chú trọng công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và việc điều hành chính sách tiền tệ.
Thống đốc và các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ, trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai các giải pháp theo quy định, hành động vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Điều 18 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (trong đó đã quy định rõ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định phương án can thiệp cụ thể bao gồm: thời điểm, khối lượng, giá vàng, hình thức can thiệp…) và quy định pháp luật có liên quan thực hiện ngay các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng theo quy định và phải bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, cách thức triển khai không phù hợp, giảm hiệu quả các công cụ điều hành của Nhà nước;
Có giải pháp hiệu quả, kịp thời, khắc phục ngay và luôn tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bằng các công cụ hiện hành và đề cao trách nhiệm theo thẩm quyền;
Đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm;
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều hành, bình ổn thị trường vàng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng; làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng, các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh, mua bán vàng, vàng miếng SJC để chỉ đạo, nghiêm cấm việc lợi dụng thao túng thị trường và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.
Khẩn trương thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản có liên quan, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024;
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng theo quy định.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15 tháng 6 năm 2024;
Xử lý nghiêm, kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử và xử lý theo pháp luật hiện hành.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…;
Cương quyết và triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách như đi công tác trong và ngoài nước, tiếp khách, chiêu đãi, sử dụng phương tiện công, tích cực rà soát và cương quyết cắt giảm các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư... để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền việc giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công; nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội...
Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó lưu ý bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương;
Làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1- 2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, cung ứng tiền... hiệu quả, linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với các biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.
Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Quyết tâm có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5 – 6%.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.
Phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội;
Trước mắt nghiên cứu phát hành thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, găm hàng, thao túng giá
Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất Đề án 06 và công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 2024.
Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, găm hàng, thao túng giá và các hành vi vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, tạo khí thế, niềm tin, động lực và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Như đã đưa, ngày 17/5, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các quy định có liên quan.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 2/5/2024, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Theo Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17 tháng 5 năm 2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường.
NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN.
Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).
NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng.