Đó là định hướng phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật tại Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên cơ sở phát huy ưu thế của các chuyên ngành vận tải. Phát triển mạng lưới đường bộ tạo nên sự kết nối liên hoàn, rộng khắp tới mọi địa bàn lãnh thổ đất nước. Xây dựng các tuyến đường sắt là các phương thức vận tải chủ đạo trên trục Bắc Nam và trên các hành lang kinh tế trọng điểm, kết nối với cảng biển lớn. Chú trọng phát triển vận tải đường thủy nội địa.
Tổ chức không gian giao thông quốc gia như sau:
- Hình thành các hành lang trục dọc quốc gia Bắc - Nam với đủ 5 phương thức giao thông vận tải.
- Đối với khu vực phía Bắc, hình thành các hành lang hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội (cực tăng trưởng), các hành lang Đông - Tây để kết nối dạng nan quạt khu vực miền núi phía Tây ra các cảng biển khu vực phía Đông.
- Đối với khu vực miền Trung, hình thành các trục Đông - Tây kết nối khu vực phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông và liên kết đối ngoại với các nước Lào, Campuchia.
- Đối với khu vực phía Nam, hình thành các hành lang dạng lưới theo trục Đông - Tây và Bắc - Nam, khai thác lợi thế về vận tải đường thủy nội địa và các cảng biển, cảng hàng không lớn, kết nối giao thông quốc tế.
- Tại các đô thị đặc biệt Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành các tuyến vành đai và các trục hướng tâm kết nối vành đai, đô thị vệ tinh với trung tâm thành phố.
Hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); cảng cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Đà Nẵng. Nghiên cứu xây dựng phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực như Vân Đồn, Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc…
Đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thuỷ nội địa tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050.
Phát triển hạ tầng năng lượng, chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện truyền tải 500 KV liên vùng đồng bộ với phát triển nguồn điện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phát triển công nghiệp khí; nghiên cứu đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).
Phát triển các trung tâm năng lượng gắn với các tổ hợp lọc hóa dầu, tận dụng hạ tầng đã đầu tư tại các cơ sở lọc, hóa dầu hiện có và đang xây dựng. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên.
Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế
Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ và liên kết chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông tin cậy với giá cả phù hợp; bảo đảm an toàn thông tin mạng; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực.
Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Chuyển dịch đầu tư xây dựng hệ thống truyền dẫn trục quốc gia từ tập trung phát triển theo trục Bắc - Nam sang mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây, nâng cao năng lực dự phòng và phân tải cho mạng đường trục quốc gia.
Hoàn thiện các nền tảng số quy mô quốc gia để vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số vùng có sự phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ thông tin.
Phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu, cấp, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh chính… để bảo đảm năng lực thiết kế của các hệ thống thủy lợi liên tỉnh. Xây dựng giải pháp điều tiết nguồn nước trên dòng chính các sông có khó khăn về diễn biến hạ thấp đáy sông, mực nước sông phức tạp và nguy cơ xâm nhập mặn cao như sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn...
Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện các giải pháp để các công trình thuỷ lợi có thể chủ động lấy nước trong mọi thời gian tại vùng Đồng bằng sông Hồng.
Xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước tại các cửa sông lớn để chủ động kiểm soát mặn, trữ ngọt, bổ sung nước ngọt ra vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng, chống lũ, chống ngập lụt bảo vệ các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển toàn quốc.
Xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; tham gia vào mạng lưới khí tượng thủy văn toàn cầu.
Phấn đấu đến năm 2030, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển của châu Á, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.
Ưu tiên phát triển các trạm khí tượng thủy văn có nhiều yếu tố quan trắc, trạm giám sát biến đổi khí hậu, các trạm lồng ghép quan trắc tài nguyên môi trường. Phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gắn với các khu vực chịu tác động như các lưu vực sông liên tỉnh, các địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế, các hồ lớn được bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các khu vực đầu nguồn, khu vực tập trung nhiều nguồn thải lớn, các khu vực biển, khu vực có các điều kiện thuỷ văn phức tạp. Ưu tiên bố trí các trạm quan trắc thuỷ văn môi trường hiện đại và tự động hoá tại đầu nguồn các sông lớn xuyên biên giới.
Phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn kết với định hướng phát triển theo vùng, theo các vành đai và hành lang kinh tế.
Đến năm 2030, cơ bản 25 tỉnh biên giới trên đất liền đều có cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính/song phương; các cửa khẩu quan trọng có cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, hợp tác.
Phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện của từng vùng, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân.