TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc xây dựng dự thảo Thông tư Chuẩn cơ sở đào tạo giáo dục đại học (GDĐH) là cần thiết. Điều 104 Luật Giáo dục năm 2019 quy định, một trong những nội dung quản lý nhà nước về giáo dục là “ban hành chuẩn cơ sở giáo dục”.
Còn tại Điều 11 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) quy định, trách nhiệm của Bộ GDĐT là “quy định chuẩn GDĐH bao gồm: chuẩn cơ sở GDĐH, chuẩn chương trình đào tạo…” (Điều 68) và quy định “Ban hành chuẩn cơ sở GDĐH để thực hiện quy hoạch” (Điều 11).
Theo đó, Bộ GDĐT có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy định về Chuẩn cơ sở GDĐH, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH theo quy định của Luật số 34, tạo ra đổi mới trong quản lý nhà nước theo cơ chế tự chủ đại học. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mục đích sử dụng Chuẩn nhằm: thực hiện quản lý nhà nước đối với GDĐH; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH; thành lập, cho phép hoạt động đào tạo trường đại học, học viện; giải thể trường đại học, học viện; đình chỉ hoạt động đào tạo của trường đại học, học viện; đảm bảo chất lượng GDĐH; xem xét, giám sát các điều kiện, tiêu chí về mở ngành, duy trì hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, dự thảo Thông tư Chuẩn cơ sở GDĐH dựa trên những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng chuẩn là những yêu cầu tối thiểu mà cơ sở GDĐH phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và được kiểm chứng qua các minh chứng, chỉ số tương ứng.
Thứ hai, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở GDĐH, đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi, có thể định lượng được, có những nội dung có thể mang tính định tính nhưng phải cụ thể, đơn giản, ngắn gọn, dễ đo lường và kiểm chứng được.
Thứ ba, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính kế thừa các quy định của Việt Nam nhưng không quy định lại các nội dung mà các văn bản quy pháp pháp luật khác đã quy định, định hướng tương thích với các chuẩn GDĐH thông dụng trên thế giới (đối sánh quốc tế) nhưng đảm bảo phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam.
Thứ tư, xây dựng chuẩn cần đặt lợi ích người học là trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá để cơ sở GDĐH thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên có liên quan.
Thứ năm, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống GDĐH nhưng đồng thời đảm bảo đa dạng của từng loại cơ sở GDĐH. Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số được xem xét quy định theo hướng áp dụng cho tất cả các cơ sở GDĐH hoặc chỉ áp dụng theo đặc thù của từng loại cơ sở GDĐH hoặc thời điểm áp dụng khác nhau cho các loại cơ sở GDĐH có đặc thù khác nhau.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho biết, các nội dung chính của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể, dự thảo Chuẩn cơ sở GDĐH gồm 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí. Các tiêu chuẩn gồm:
Tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản trị, gồm 4 tiêu chí, nhằm đánh giá sự ổn định của tổ chức bộ máy và sự hiệu quả, minh bạch của hệ thống quản trị.
Tiêu chuẩn 2 về giảng viên, gồm 4 tiêu chí, nhằm đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và năng lực đội ngũ giảng viên , gắn bó với công việc để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 3 về điều kiện dạy và học, gồm 6 tiêu chí, nhằm đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng dạy và học về hạ tầng khuôn viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, hệ thống thông tin và học liệu của cơ sở GDĐH.
Tiêu chuẩn 4 về tài chính, gồm 4 tiêu chí, nhằm đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động để phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro cho người học và các bên có lợi ích liên quan.
Tiêu chuẩn 5 về tuyển sinh và đào tạo, gồm 5 tiêu chí, nhằm đánh giá uy tín, chất lượng và hiệu quả của cơ sở GDĐH thông qua sự lựa chọn, sự tiến bộ và thành công của người học.
Tiêu chuẩn 6 về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gồm 2 tiêu chí, nhằm đánh giá năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của cơ sở GDĐH, thể hiện qua nguồn thu từ hoạt động này và khả năng công bố khoa học.
Dự thảo Chuẩn đã được xây dựng theo hướng phần lớn các tiêu chí trong Dự thảo Chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo tính hội nhập nhưng đồng thời phù hợp với đặc điểm thực tiễn tại Việt Nam như: Tỉ lệ sinh viên trên giảng viên, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, công bố khoa học của giảng viên, tỷ trọng kinh phí nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ thôi học, kiểm định CTĐT…
Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện, dự thảo đã được chỉnh lý ngưỡng chuẩn dựa trên kết quả phân tích, thống kê số liệu khảo sát, đánh giá mức độ đạt được của các cơ sở GDĐH để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH, tính phù hợp với sự đa dạng và đặc thù của các loại cơ sở GDĐH khác nhau, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho hệ thống GDĐH.
Bên cạnh đó, để thực hiện Chuẩn với lộ trình đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các cơ sở GDĐH, đối với một số chỉ số có ảnh hưởng lớn tới hệ thống các cơ sở GDĐH, dự thảo quy định theo hướng cho phép áp dụng các chỉ số này đối với các cơ sở GDĐH từ năm 2025.