Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Giang vừa họp đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp; cùng dự có đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo.
Theo Báo Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo Quy định và Quy chế làm việc. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 phiên họp; Thường trực Ban Chỉ đạo 5 cuộc họp.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm túc thực hiện Quy định 67 của Bộ Chính trị, quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, với tinh thần lấy phòng là chính; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó tăng cường giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên và chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào sinh hoạt chi bộ.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; kịp thời chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, vướng mắc và kiên quyết xử lý theo phương châm phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Chỉ đạo công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, nổi cộm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn và các đại biểu đã thảo luận, đánh giá nêu bật những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát và công tác cán bộ; công tác thanh tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực…
Qua báo cáo, thảo luận và từ thực tiễn, phát biểu kết luận phiên họp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhất trí với những kết quả nổi bật đạt được 6 tháng đầu năm Ban Chỉ đạo đã đánh giá.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế để Ban Chỉ đạo có giải pháp khắc phục thời gian tới, đó là: Việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo còn hạn chế.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kê khai tài sản, thu nhập còn lúng túng, chưa chủ động. Công tác chuyển đổi vị trí, luân chuyển cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên.
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong những lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý đầu tư công, nhất là công tác đấu thầu.
Một số đồng chí Bí thư Huyện ủy chưa thực hiện tiếp công dân theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự coi trọng, chưa thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Quyền Bí thư Tỉnh ủy nêu một số nhiệm vụ trọng tâm để Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính trong cán bộ đảng viên, nhất là cấp cơ sở và đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào sinh hoạt chi bộ.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Kiểm tra và chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ; hoàn thành các cuộc kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo năm 2024.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, của các cơ quan báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm đối với tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Ban Nội chính Tỉnh ủy kiểm tra, đôn đốc việc tiếp công dân của Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư công, công tác đấu thầu các dự án./.