In bài viết

Quy định mới về an toàn thực phẩm đối với mật ong

18:17 - 01/11/2022

(Chinhphu.vn) - Cơ sở nuôi ong chỉ được khai thác mật ong sử dụng để làm thực phẩm khi tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong.

Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY) và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đối tượng áp dụng gồm: Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với mật ong.

Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho ong

Về việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong Thông tư nêu rõ, chỉ sử dụng các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho ong theo quy định.

Sử dụng thuốc để phòng, trị bệnh cho ong phải theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất và đơn thuốc của người hành nghề thú y. Việc kê đơn thuốc thú y thực hiện theo quy định của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc thú y.

Việc sử dụng thức ăn trong nuôi ong phải tuân thủ quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi.

Cơ sở nuôi ong thực hiện quy trình nuôi ong bảo đảm VSTY và ATTP

Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở nuôi ong, thu mua và chế biến mật ong.

Với cơ sở nuôi ong, thực hiện quy trình nuôi ong bảo đảm VSTY và ATTP; chỉ được khai thác mật ong sử dụng để làm thực phẩm khi tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc; tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định của Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm VSTY và ATTP đối với mật ong.

Chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu và thử nghiệm mẫu giám sát tăng cường khi có mẫu mật ong không bảo đảm VSTY và ATTP;…

Với cơ sở thu mua mật ong, tổ chức thực hiện đầy đủ và duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình thu mua và buôn bán mật ong thô; tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm ATTP đối với đối với thu mua mật ong; chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền;…

Nâng cao kiến thức cho người nuôi ong về phòng chống dịch bệnh và sử dụng thuốc thú y

Với cơ sở chế biến mật ong, tổ chức thực hiện đầy đủ và duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm ATTP theo hệ thống quản lý ATTP theo tiêu chuẩn đã được chứng nhận trong chế biến mật ong.

Bên cạnh đó, phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy trình nuôi ong, khai thác và thu mua mật ong bảo đảm VSTY và ATTP, nâng cao kiến thức cho người nuôi ong về phòng chống dịch bệnh và sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong cho các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua trong nội bộ hệ thống của cơ sở.

Đồng thời, tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm ATTP đối với mật ong; chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền;…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2022.