Hoạt động giám sát của Hội đồng quân nhân nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm để kiến nghị sửa chữa, khắc phục, đồng thời phát hiện, nhân rộng nhân tố mới, tích cực, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Đối tượng giám sát là tổ chức đảng, người chỉ huy, cán bộ chủ chốt, đảng viên. Nội dung giám sát là việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tổ chức đảng (trừ các nội dung thuộc về bí mật nhà nước), kế hoạch của người chỉ huy tại cơ quan, đơn vị.
Hội đồng quân nhân thường xuyên theo dõi, tiếp thu ý kiến thông qua đơn thư, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động để nghiên cứu, xem xét các vấn đề liên quan; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động thì kiến nghị đến cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết, sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ thi hành.
Khoản 4 Điều 33 Thông tư 122/2024/TT-BQP:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc (15 ngày làm việc đối với những việc có nội dung phức tạp), cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trả lời hoặc thông báo bằng văn bản (với những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên) kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của tập thể quân nhân.
Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trả lời theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Thông tư này.
Trường hợp ý kiến, kiến nghị của Hội đồng quân nhân với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thống nhất thì tổ chức đối thoại để làm rõ.
Hoạt động phản biện xã hội của Hội đồng quân nhân là hoạt động tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản của các cơ quan chức năng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong cơ quan, đơn vị.
Căn cứ tính chất của nội dung văn bản dự thảo của cơ quan chức năng và người chỉ huy cơ quan, đơn vị, Hội đồng quân nhân phối hợp với ban chấp hành các tổ chức quần chúng cùng cấp tổ chức hội nghị tập thể quân nhân để tham gia ý kiến hoặc gửi dự thảo văn bản đến từng cá nhân để lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến tham gia và báo cáo cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị để xem xét, quyết định gửi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu.
Hội đồng quân nhân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và thông báo việc tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đối với ý kiến tham gia của tập thể quân nhân.
Thông tư 122/2024/TT-BQP có hiệu lực từ 15/2/2025.