In bài viết

Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn

09:13 - 31/10/2022

(Chinhphu.vn) - Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.

Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn - Ảnh 1.

Phát triển, củng cố các cơ sở giáo dục thường xuyên, đặc biệt là các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên vùng khó khăn.

Đây là định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội tại Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Hình thành mạng lưới an sinh xã hội đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Phát triển một số khu đô thị đại học

Cụ thể, phát triển giáo dục đại học đảm bảo đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực trọng điểm, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương.

Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học; nâng cấp một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới. Phát triển một số khu đô thị đại học.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Phát triển các trung tâm đào tạo nghề, nhất là đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với phát triển các ngành nghề ưu tiên tại các trung tâm kinh tế lớn.

Nâng cao chất lượng, mở rộng và phân bố hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đáp ứng nhu cầu xã hội về tiếp cận dịch vụ giáo dục. Xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật. 

Phát triển, củng cố các cơ sở giáo dục thường xuyên, đặc biệt là các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên vùng khó khăn, thực hiện công tác xóa mù chữ, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Phát triển hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh có quy mô phù hợp với nhiệm vụ đào tạo theo từng địa bàn nhằm củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

Mỗi vùng có bệnh viện cấp quốc gia đảm nhận vai trò là bệnh viện tuyến cuối thuộc tuyến chuyên môn cấp 3

Sắp xếp, phân bổ không gian mạng lưới các bệnh viện cấp quốc gia một cách phù hợp, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Mỗi vùng có bệnh viện cấp quốc gia đảm nhận vai trò là bệnh viện tuyến cuối thuộc tuyến chuyên môn cấp 3. 

Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại. Xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia. Xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine quốc gia.

 Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm cấp vùng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế...

Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh

Phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần và mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia và quốc tế. 

Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. 

Xây dựng mới, nâng cấp các bảo tàng quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các thư viện cấp quốc gia, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học… Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế.

 Đầu tư phát triển, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO công nhận. Phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Rà soát, tinh gọn đầu mối các tổ chức nghiên cứu - phát triển thuộc các bộ, ngành

Phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực của hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh, thành phố có điều kiện. Hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trên cơ sở liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ với các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu.

Đầu tư trọng điểm để phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Rà soát, tinh gọn đầu mối các tổ chức nghiên cứu - phát triển thuộc các bộ, ngành, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với các định hướng ưu tiên về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành. 

Củng cố, phát triển các tổ chức nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầu tư trọng điểm để hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện vai trò gắn kết các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các vùng, địa phương. 

Phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các công nghệ dẫn dắt, tạo lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khuyến khích các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn ngoài nhà nước hình thành các đơn vị nghiên cứu và phát triển.

Từng bước hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội

 Khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các bộ, ngành trung ương theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Hình thành các nhà xuất bản lớn, phân bố hợp lý hệ thống phát hành xuất bản phẩm.

Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công về trợ giúp xã hội tại cơ sở của các nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Từng bước hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội theo tiêu chuẩn quốc gia và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công quốc gia có đủ năng lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng phương pháp, chuyên môn, kỹ thuật sâu tích hợp giữa điều dưỡng và nuôi dưỡng với chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc xã hội khác cho đối tượng người có công.