Sáng 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã báo cáo về diễn biến thị trường vàng trong nước và thế giới; công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; đấu thầu cung cấp vàng miếng cho thị trường; việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đối với công tác điều hành giá vàng miếng,…
Tại cuộc họp các đại diện Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty SJC đã trao đổi về diễn biến giá vàng thế giới, giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC; phân tích nguyên nhân giá vàng miếng SJC trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vàng; sử dụng hóa đơn điện tử trong mua bán vàng; phòng chống buôn lậu vàng,... qua đó đề xuất các giải pháp để quản lý thị trường vàng trước mắt và lâu dài.
Các ý kiến cho rằng, vàng không phải mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Nhà nước không can thiệp, bảo hộ giá, kiểm soát giá vàng. NHNN chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng chứ ko độc quyền kinh doanh vàng miếng.
Tuy nhiên vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Nhu cầu mua bán, trao đổi vàng miếng của người dân là chính đáng.
Do đó, NHNN có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, "tạo sân chơi bình đẳng" để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng…
Các ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là triển khai các giải pháp đồng bộ cả về tăng cung, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để giá vàng miếng SJC "đỡ nhảy múa", hoặc biên độ nhảy múa "ít hơn".
Đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp để tăng cung vàng miếng, "hạ nhiệt thị trường" trong đó có vấn đề giá chào sàn phù hợp để tổ chức thành công các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân….
Về căn cơ, lâu dài, cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Chuyển sang quản lý vàng miếng là vàng chất lượng 9999. Còn vàng trang sức thì coi là hàng hóa bình thường.
Về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo và đề xuất thành lập Đoàn thanh tra liên ngành với thành phần tham gia của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Hiện các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành khảo sát thực tế để bảo đảm việc thanh tra hiệu quả. Dự kiến ngày mai sẽ hoàn thành khảo sát; sau đó sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng NHNN; dự kiến trong tuần tới sẽ ra quyết định thanh tra. Tinh thần là thanh tra kỹ lưỡng, chặt chẽ theo đúng quy định của Nghị định 24/2012; kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đầu cơ, làm giá,… Phải thanh tra mới đánh giá được toàn diện thực trạng, nguyên nhân, qua đó mới đề xuất được giải pháp tối ưu để quản lý hiệu quả thị trường vàng trong thời gian tới.
Đại diện các bộ ngành, TPHCM cũng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý thị trường vàng, tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động đấu tranh xử lý nghiêm các vi phạm đầu cơ, thao túng thị trường vàng; tăng cường công tác truyền thông về quản lý thị trường vàng;…
Phát biểu kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao ý kiến phát biểu của đại diện các bộ ngành, TPHCM và Công ty SJC,… yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật triển khai ngay các biện pháp để giải quyết bất cập của thị trường vàng hiện nay; bảo đảm thị trường vàng vận hành ổn định với giá vàng miếng ở mức hợp lý.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, thu thập thêm thông tin, số liệu để đánh giá đầy đủ về cung – cầu; tình hình hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng,… để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Về việc tiến hành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử các cán bộ có năng lực, am hiểu thực tế tham gia Đoàn thanh tra liên ngành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra.
Đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương qua thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng nếu phát hiện vi phạm chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Công điện nêu rõ, Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng; tuy nhiên thời gian vừa qua thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính và tâm lý xã hội.
Để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung:
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan Hải quan các cấp chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường; đẩy mạnh kiểm tra, điều tra, tổ chức đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên bộ, trên biển và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan, trong đó tập trung đấu tranh đối với các chuyên án buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, ngoại tệ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ Bộ Tài chính đã giao tại công văn số 4579/BTC-VP ngày 04/05/2024 về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhằm góp phần quản lý tốt hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh vàng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Tài chính để có ý kiến chỉ đạo.
Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 81 lô tương đương 8.100 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 8 thành viên.
Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu tổng khối lượng vàng miếng dự kiến là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng.
Khác với những lần trước, tại lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng, giảm 200 lượng so với phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 8/5 khối lượng đấu thầu tối thiểu 700 lượng).
Trên thị trường, trước phiên đấu thầu vàng miếng giá vàng SJC được điều chỉnh giảm cả triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán tới 3 triệu đồng. Sau hai ngày, giá vàng tăng sốc rồi lại giảm đột ngột sau yêu cầu khẩn thanh tra thị trường của Chính phủ, mỗi lượng vàng đã giảm gần 5 triệu đồng/lượng, về dưới 90 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời khuyến nghị người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và việc điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới…/.
Trần Mạnh