Nhấn mạnh, chương trình công tác của tháng 5/2024 có khối lượng công việc rất lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ theo kế hoạch, xử lý kịp thời các công việc phát sinh, tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kết luận tại cuộc họp giao ban hằng tháng của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo Quốc hội và giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quán triệt chủ trương, kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XIII để tham mưu dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV một cách khoa học, hợp lý và hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp...
Hai là, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các nội dung của Kỳ họp thứ 7, trọng tâm là: (i) các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến; (ii) Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; (iii) Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; (iv) Dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại Kỳ họp...
Trong đó lưu ý, đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra hoàn thành việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (bằng văn bản) đối với dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trước ngày 12/5/2024; hoàn thiện, trình Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách xem xét, ký văn bản để phát hành, gửi đại biểu Quốc hội trong sáng ngày 13/5/2024;
Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 và các tờ trình, báo cáo khác: các cơ quan khẩn trương hoàn thiện những nội dung thuộc trách nhiệm, gửi tài liệu đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 18/5/2024.
Giao Văn phòng Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đề nghị gửi tài liệu kỳ họp theo đúng thời gian quy định.
Bốn là, giao Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chủ động đề xuất điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại bảo đảm phù hợp tình hình thực tế; đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan có liên quan triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại năm 2024…
Năm là, tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, trong đó phối hợp hoàn thiện, phát hành sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
Triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ đặc biệt và tổ chức biên soạn sách “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”; triển khai kế hoạch biên soạn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011-2026)”;
Xây dựng và triển khai Kế hoạch biên soạn các cuốn sách: “50 năm quan hệ giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - Hợp tác toàn diện và phát triển”, Sách ảnh về 80 năm Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Sách ảnh song ngữ 80 năm Quốc hội Việt Nam 1946-2026, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
Sáu là, chủ động rà soát toàn bộ các chương trình hành động toàn khóa, kế hoạch công tác trọng tâm của năm, của tháng, các thông báo kết luận, các nhiệm vụ được phân công để nắm rõ tình hình thực hiện; chỉ đạo kịp thời có các phương án, giải pháp khoa học, hiệu quả để tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành đã đề ra đối với từng nhiệm vụ, công việc.
Trong đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên trong toàn thể Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội để tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Chín là, giao Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài sản, thiết bị tại nơi làm việc.
Đồng thời, tổ chức rà soát, kiểm tra thường xuyên các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất phục vụ cho Kỳ họp Quốc hội, tránh để xảy ra các sơ sót, trục trặc trong vận hành các hệ thống kỹ thuật./.