In bài viết

Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt

12:00 - 13/09/2022

(Chinhphu.vn) - Nhìn lại cách đây 1 năm, chúng ta mới thấy rằng, để đạt được những kết quả về KTXH, Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt. Bởi thời điểm đó nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID thì chúng ta không có thành quả như ngày hôm nay.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: Cho đến ngày hôm nay chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường  của năm 2022 và với kết quả báo cáo vĩ mô và thông tin Bộ KH&ĐT vừa công bố, cho chúng ta yên tâm rằng các chỉ tiêu KTXH theo tinh thần Nghị quyết 32 của Quốc hội (15 chỉ tiêu) thì chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Qua quý I, quý II, chúng ta tăng trưởng 7,7%, quý III năm nay tôi dự kiến chúng ta tăng trưởng 9%, như vậy cả năm chúng ta có thể đạt được tăng trưởng trên 7%.

Quan trọng hơn là GDP bình quân đầu người thì chúng ta phấn đấu đạt được 3900 USD/người để theo kế hoạch đến năm 2025 chúng ta sẽ đạt được khoảng 4700-5000 USD, để chúng ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đấy là đánh giá sơ bộ về kết quả chúng ta có được.

Nhìn lại cách đây 1 năm, chúng ta mới thấy rằng, để có kết quả này, Chính phủ đã có quyết định rất sáng suốt. Bởi thời điểm đó nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID thì chúng ta không có thành quả như ngày hôm nay. Quyết định của chúng ta là ban hành Nghị quyết 128 để thích ứng an toàn, linh hoạt hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19. Đó chính là quyết sách đem lại thành công, đem lại kết quả ngày hôm nay.

Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát

Nêu thêm một số vấn đề chúng ta cần quan tâm hiện nay, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc trước tiên cần quan tâm là kiểm soát lạm phát. Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát.

Khi giá dầu lên vượt quá 140 USD/1 thùng, mà sự kiện này năm 2008 đã xảy ra rồi, lúc đó lạm phát của Việt Nam lên tới 23%. Nhưng năm nay khi giá dầu lên như vậy nhưng lạm phát đã kiểm soát được ngay, vì lý do gì? Chúng ta thực hiện cái việc giảm các loại thuế phí liên quan xăng dầu. Đây là một bài học rất quan trọng. Và chúng ta ổn định tỉ giá cho nên kiểm soát tốt được lạm phát tốt hơn so với thời điểm 2008 và 2011.

Điều hành chính sách tiền tệ ở thời điểm này vô cùng khó khăn

Thứ hai là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó tôi đánh giá rất cao sự điều hành chính sách tiền tệ, bởi điều hành chính sách tiền tệ ở thời điểm này vô cùng khó khăn.

Không phải riêng Việt Nam mà cả ngân hàng trung ương các nước cũng vậy. Bởi làm sao giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế luôn là bài toán khó.

Chính sách tiền tệ có 3 mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ chúng ta đã đạt được.

Mục tiêu thứ hai là giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế thì chúng ta cũng đạt được.

Mục tiêu thứ ba bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng đến giờ phút này chúng ta cũng đạt được.

Tuy nhiên trong thời gian tới, chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để đem lại sự lành mạnh hơn để chúng ta điều hành chính sách tiền tệ một cách thuận lợi hơn. Từ đó giúp chúng ta mạnh mẽ để xóa bỏ room tín dụng trong thời gian tới. Hiện nay điều hành room của chúng ta là cần thiết, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Chính sách tiền tệ trong giai đoạn hiện nay như thế nào, tôi nghĩ rằng chúng ta cần kiên định một chính sách tiền tệ thận trọng vì ở thời điểm này chúng ta yêu cầu nới lỏng thì sai phạm chúng ta yêu cầu  thắt chặt thì không phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế của Việt Nam chúng ta, mà một chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ , linh hoạt theo diễn biến thị trường.

Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng

Về chính sách tài khóa, chúng tôi cho rằng, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng, từ đó giúp chúng ta tăng thu ngân sách trong điều kiện chúng ta phải hỗ trợ thuế phí cho phát triển kinh tế xã hội nhưng chúng ta tại tăng thu ngân sách rất cao (8 tháng thu tới trên 1,2 triệu tỷ, trong khi kế hoạch thu năm nay là 1,4 triệu tỷ) thì như vậy chúng ta đạt được mục tiêu.

Thu ngân sách năm nay rất lớn từ đó chúng ta có dư địa tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân. Đó là việc tài khóa cần phải làm.

Tuy nhiên, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đến giờ phút này chúng ta mới giải ngân được 40%. Trong khi đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, là động lực để huy động vốn xã hội, là công cụ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng. Chúng ta than phiền về hạ tầng, chi phí logictics nhưng vốn giải ngân đầu tư công chúng ta mới thực hiện được 40%. Năm nay vốn đầu tư công rất lớn trên 520 nghìn tỷ, chưa kể các khoản đầu tư khác.

Tôi nghĩ rằng, nếu Bộ Tài chính và các ngành chúng ta hỗ trợ hơn để giúp cho các doanh nghiệp xây dựng cơ bản giải quyết nợ tồn đọng thì doanh nghiệp sẽ có vốn mà tránh áp lực lên việc phải vay ngân hàng, thì bài toán vốn cũng được đặt ra. Về giải ngân gói tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thì chúng ta đang tiến hành, tôi đánh giá tốt.

Quyết liệt đi tìm sự ổn định trong điều kiện có nhiều yếu tố bất định

Vấn đề thời gian tới tôi xin chia sẻ, trong năm 2023 và những năm tới thì năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch KTXH 5 năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch này từ 6,5-7% thì chúng ta mạnh dạn đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2023 là trên 7%. Đây là vấn đề GDP của năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong quá nhiều yếu tố bất định, khó dự báo, tôi đồng tình thống nhất quan điểm rất cao của Thủ tướng Chính phủ mới vừa phát biểu: Chúng ta đi tìm sự ổn định trong điều kiện có nhiều yếu tố bất định. Đây là yếu tố rất quyết liệt.

Nhưng để làm được điều đó, việc  quan trọng là nâng được thể trạng của nền kinh tế, nâng được sức khỏe của doanh nghiệp, nâng được sức khỏe của người dân. Có như vậy chúng ta mới tăng được sức chống chịu trước những biến động bất ổn như đại dịch COVID-19 vừa qua.

Để đạt được mục tiêu này, tôi nghĩ chúng ta tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược như về thể chế, hạ tầng kinh tế xã hội, vấn đề nhân lực và bài toán về vốn. Bài toán về vốn thì vốn ngắn hạn ở ngân hàng thương mại, vốn trung dài hạn ở thị trường chứng khoán cho nên chúng ta sớm có thể chế hoàn chỉnh để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển./.