In bài viết

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến tín dụng chính sách xã hội

09:55 - 20/09/2023

(Chinhphu.vn) - Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải kiến nghị các cơ quan chức năng theo nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến tín dụng chính sách xã hội - Ảnh 1.

Nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo.

Góp phần thúc đẩy phát triển KTXH tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023,  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải đã chia sẻ về tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước

Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến tín dụng chính sách xã hội - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải.

Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

 Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo 

Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học.

Bên cạnh đó, xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 126/NQ-CP...

Ngoài ra, NHCSXH còn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ thực hiện chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ mua và xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ tạo việc làm; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

Thông qua triển khai tín dụng chính sách xã hội, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam cho biết, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”. Kết quả này đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và đặc biệt là đông đảo quần chúng ghi nhận, đánh giá cao.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến tín dụng chính sách xã hội - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Kiến nghị tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam  Nguyễn Đức Hải khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn cần khắc phục.

Ông Nguyễn Đức Hải kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.

Các bộ, ban, ngành cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù.