Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số 62/2025/QH15;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15.
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
1. Nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế.
3. Giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
4. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
5. Đối thoại, giải quyết kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.
6. Đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
7. Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
8. Phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
1. Bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
2. Thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, vị trí việc làm.
3. Bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này.
4. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
1. Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, bao gồm:
a) Chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 của Nghị quyết này; xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Chương trình lập pháp hằng năm;
b) Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này;
c) Khoản chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Nghị quyết này;
d) Bảo đảm vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật;
đ) Chi phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật quy định tại Điều 10 của Nghị quyết này;
e) Chi hỗ trợ giám sát thi hành pháp luật; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc hiện đại phục vụ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này và cho tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật, hướng tới ngang tầm khu vực ASEAN.
2. Quốc hội quyết định giao cho Chính phủ mức ngân sách bảo đảm chi theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Chính phủ phân bổ, giao kịp thời, bảo đảm đủ ngân sách chi cho các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chi Chính phủ chưa phân bổ để bảo đảm kịp thời, đủ ngân sách chi, đúng quy định của pháp luật.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động đối với nội dung thẩm tra, thông qua văn bản quy phạm pháp luật và thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế quy định tại mục I và mục II.1 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Chính phủ quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động đối với nội dung xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình văn bản quy phạm pháp luật và từng nhiệm vụ, hoạt động trước giai đoạn thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Ngoài tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết này, định mức khoán chi quy định tại khoản này và chi cho các nội dung khác quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này gấp từ 03 lần đến 05 lần so với định mức cùng nội dung chi theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết này.
4. Việc áp dụng thù lao, thuê khoán và mức thù lao, thuê khoán trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 của Nghị quyết này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
5. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cho tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật.
6. Cơ chế, chính sách cho nhiệm vụ, hoạt động quy định tại khoản 8 Điều 2 và Điều 10 của Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 193/2025/QH15, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
7. Người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này được quyền chủ động quyết định nội dung chi, thay đổi nội dung chi theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này; chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao; bảo đảm việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí tương xứng với mức độ quan trọng, phức tạp của nhiệm vụ, hoạt động và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động; tuân thủ các quy định về giám sát, kiểm tra, kiểm toán; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
8. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này được miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng từ ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đúng, đầy đủ nội dung, quy trình, quy định liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nhưng kết quả của nhiệm vụ, hoạt động không đạt được hoặc không được công nhận do chính sách của Nhà nước thay đổi hoặc do yếu tố khách quan, sự kiện bất khả kháng.
1. Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng pháp luật được thực hiện khoán chi theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động.
2. Việc khoán chi theo nhiệm vụ hoặc hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế thực hiện theo tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết này và theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này.
Việc khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động có mua sắm tài sản; khoán chi đối với nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 và khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này có trách nhiệm đánh giá và quyết định về sản phẩm hoàn thành theo phạm vi nhiệm vụ, hoạt động được giao.
1. Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật (sau đây gọi là Quỹ) là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
2. Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật, bao gồm:
a) Nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật;
b) Nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế;
c) Nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật;
d) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn pháp lý trong nước, quốc tế;
đ) Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng Đề án soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp;
e) Hỗ trợ một số hoạt động giám sát thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật;
g) Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật;
h) Hỗ trợ nhiệm vụ, hoạt động khác trong xây dựng pháp luật theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
3. Quỹ được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết này; được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan quản lý Quỹ được quyền khoán chi, điều chỉnh nội dung chi theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này; phù hợp với nhu cầu phát sinh và chi phí thực tế theo thị trường hoặc theo loại hình dịch vụ, công việc tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ, hoạt động.
Trường hợp có hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ tổ chức, cá nhân gắn với mục tiêu chuyên đề thì cơ quan quản lý Quỹ phải sử dụng đúng nguồn kinh phí hỗ trợ đáp ứng mục tiêu chuyên đề đó.
5. Việc nhận nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước và việc sử dụng Quỹ phải bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý hoạt động đối ngoại.
Các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác xây dựng pháp luật vào Quỹ được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
6. Tổ chức và hoạt động của Quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
1. Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp), bao gồm:
a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
b) Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh;
c) Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Trường hợp cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;
d) Đối tượng khác thuộc khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định;
đ) Đối tượng khác thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định;
e) Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Quy định đối tượng khác được hưởng hỗ trợ hằng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều này được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.
5. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng cùng mục đích thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.
1. Người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên hơn khi xét tuyển vào cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này được ưu tiên cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.
3. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
4. Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.
5. Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế.
Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại các tổ chức quốc tế này và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này được quyết định tiêu chí xác định chuyên gia, tổ chức tư vấn; được quyền tự lựa chọn, quyết định cách thức hợp tác và ký hợp đồng với chuyên gia, tổ chức tư vấn trong việc thực hiện nhiệm vụ, hoạt động, phù hợp với chi phí thực tế theo thị trường hoặc theo loại hình dịch vụ, công việc tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ, hoạt động; chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, hoạt động được giao. Trường hợp thuê chuyên gia nước ngoài hoặc tổ chức tư vấn nước ngoài tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu chính sách thì phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
2. Việc thu hút, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn quy định tại Điều này phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý hoạt động đối ngoại.
1. Hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm:
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật nhằm thu thập, số hóa, tích hợp các nguồn dữ liệu chủ trương, đường lối của Đảng, hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các nguồn dữ liệu liên quan khác để hình thành các kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật;
b) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển trợ lý ảo trong hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đổi mới quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật;
c) Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
2. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước phục vụ hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
3. Bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước để xây dựng, thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
1. Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
2. Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
2. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp văn bản khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hơn quy định của Nghị quyết này thì áp dụng cơ chế, chính sách đó.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 5 năm 2025.
1. Vụ Pháp luật thuộc Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.
2. Các Vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
3. Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội thuộc Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Tổ chức pháp chế thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
5. Tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao; Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.
6. Sở Tư pháp (Phòng có chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, 01 Phó Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật).
Đơn vị: Triệu đồng
TT |
Loại văn bản | Tổng | Xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình (1) | Thẩm tra, thông qua (2) | |
Tên văn bản | Thuộc trường hợp quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật | ||||
1 | Bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành | Điều 4, khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 27 | 14.000 | 70% | 30% |
2 | Luật mới; luật thay thế luật hiện hành | Điều 4, khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 27 | 12.500 | 70% | 30% |
3 | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật | Điều 4, khoản 1 Điều 10, điểm b khoản 1 Điều 27 | 7.000 | 70% | 30% |
4 | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp | Điều 4, khoản 1 Điều 10, điểm b khoản 1 Điều 27 | 6.500 | 70% | 30% |
5 | Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật, luật hiện hành | Điều 4, khoản 1 Điều 10, khoản 2 Điều 27 | 4.000 | 70% | 30% |
6 | Nghị quyết thí điểm của Quốc hội
| Điều 4, điểm a khoản 2 Điều 10, điểm c khoản 1 Điều 27 | 5.000 | 70% | 30% |
7 | Nghị quyết của Quốc hội | Điều 4, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 27 | 4.000 | 70% | 30% |
8 | Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết hiện hành | Điều 4, khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 27 | 2.000 | 70% | 30% |
9 | Pháp lệnh mới; pháp lệnh thay thế pháp lệnh hiện hành | Điều 4, khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 27 | 4.000 | 70% | 30% |
10 | Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh hiện hành | Điều 4, khoản 1 Điều 11, khoản 2 Điều 27 | 2.000 | 70% | 30% |
11 | Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội | Điều 4, khoản 2 Điều 11 | 2.000 | 70% | 30% |
12 | Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. | Điều 4, Điều 13, khoản 1 Điều 49 | 2.000 | 70% | 30% |
Đơn vị: Triệu đồng
TT
| Loại văn bản
| Tổng |
Trước giai đoạn thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế/tổ chức quốc tế (1) | Thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế/tổ chức quốc tế (2) |
1 | Điều ước quốc tế, việc gia nhập tổ chức quốc tế phải được phê chuẩn theo quy định của Luật Điều ước quốc tế | 2.000 | 80% | 20% |
2 | Điều ước quốc tế, việc gia nhập tổ chức quốc tế không phải phê chuẩn theo quy định của Luật Điều ước quốc tế | 1.600 | 100% |
|
Đơn vị: Triệu đồng
TT | Loại văn bản | Tổng
(1) | |
Tên văn bản | Thuộc trường hợp quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật | ||
1 | Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước | Điều 4, Điều 12, Điều 44 | 150 |
2 | Nghị định | Điều 4, điểm c khoản 1 Điều 14 | 1.800 |
3 | Nghị định | Điều 4, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 14 | 1.000 |
4 | Nghị quyết của Chính phủ | Điều 4, điểm c khoản 2 Điều 14 | 450 |
5 | Nghị quyết của Chính phủ | Điều 4, điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 | 400 |
6 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ | Điều 4, Điều 15 | 400 |
7 | Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao | Điều 4, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 46 | 350 |
8 | Thông tư | Điều 4, khoản 2 Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, khoản 2 Điều 46 | 350 |
9 | Thông tư liên tịch | Điều 4, Điều 20, khoản 2 Điều 49 | 350 |
10 | Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh | Điều 4, khoản 1 Điều 21 | 250 |
11 | Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Điều 4, khoản 2 Điều 21 | 100 |