In bài viết

Một số bộ đã đạt mục tiêu về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

09:52 - 11/06/2024

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, một số bộ đã đạt mục tiêu đề ra.

 Một số bộ đã đạt mục tiêu về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, cơ quan phụ trách lĩnh vực xã hội, khoa học công nghệ.

Theo báo cáo, các bộ, cơ quan đã nghiêm túc chấp hành, lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW; chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết. Từ đó, đề ra các giải pháp thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và đặc thù của từng đơn vị. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, sử dụng, nâng cao chất lượng cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn 1 (2015 - 2021), mục tiêu đến năm 2021 là giảm tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.

 Về tổng thể, các bộ, cơ quan cơ bản đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục nghề nghiệp, khoa học và công nghệ giảm mạnh, đều vượt xa so với mục tiêu đề ra. Theo đó, trong lĩnh vực y tế giảm 38,68%; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 21,75%; lĩnh vực khoa học và công nghệ giảm 26,47%.

Phân tích, đề xuất những phương hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, đối với mục tiêu của giai đoạn 2 (2021 - 2025) là tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, đến năm 2030 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025, việc thực hiện của các bộ, cơ quan đang gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận kết quả các bộ đã đạt được trong việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ, cơ quan; báo cáo tương đối đầy đủ, nhiều thông tin, cơ bản đáp ứng và bám sát đề cương của Đoàn giám sát, thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại.

 Một số bộ đã đạt mục tiêu về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa tham gia thảo luận

Một trong các mục tiêu lớn sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập được các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra là "bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị các bộ phân tích, đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý, trong đó làm rõ những nhóm đơn vị nào hoạt động hiệu quả, những nhóm đơn vị nào hoạt động kém hiệu quả sau sắp xếp?

Trước thực trạng việc thực hiện cơ chế tự chủ đang gặp nhiều khó khăn, Đoàn giám sát đề nghị các bộ phân tích, đề xuất những phương hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực do mình quản lý.

Nghiêm túc triển khai theo kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các bộ, cơ quan đều nghiêm túc triển khai theo kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xây dựng đề án, kế hoạch, ban hành các quyết định, thông tư để thể chế hóa Nghị quyết 19.

 Một số bộ đã đạt mục tiêu về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, một số bộ đã đạt mục tiêu đề ra; Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện vượt chỉ tiêu, giảm được 16% trong giai đoạn 2015 - 2021 và 10% giai đoạn 2021 - 2023, dự kiến trong năm 2024 và 2025 sẽ giảm tiếp 3 đơn vị.

 Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giảm 4/42 đơn vị, tương ứng gần 10%, đặc biệt, giảm mạnh được 279/471 đơn vị cấp phòng (đạt 59%).

 Đối với ngành y tế, lao động, thương binh xã hội và khoa học, về cơ bản các địa phương đã tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng định hướng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của các bộ, cơ quan như: hầu hết các bộ chậm ban hành văn bản thể chế hóa Nghị quyết 19 và theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số văn bản đã ban hành lâu nhưng chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung; kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của một số bộ chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tự chủ còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được hạn chế, quan điểm đánh giá về vấn đề tự chủ còn khác nhau.

 Một số bộ đã đạt mục tiêu về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ đề cao trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với ngành lĩnh vực; quản lý, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực mình trên cả nước cũng như bộ trực tiếp quản lý. Tiếp tục xây dựng đề án, kế hoạch để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 và Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; có đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở ý kiến của thành viên Đoàn giám sát và kết quả của cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, gửi về Đoàn giám sát. Đồng thời, giao Thường trực Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan để nghiên cứu, đề xuất nội dung đưa vào Báo cáo kết quả giám sát.