Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 4 và điểm a khoản 2 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) thì người gây ô nhiễm môi trường phải nộp phí BVMT.
Theo quy định tại Điều 88 Luật BVMT thì có 02 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải gồm:
1- Phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải: Pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải đối với nguồn thải này.
Vì vậy, nếu quy định thu phí đối với nguồn thải này thì chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp.
2- Cơ sở xả khí thải: Pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải đối với nguồn thải này, thông qua quy định cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (quản lý đầu vào đối với hoạt động xả thải) và quy định về quan trắc môi trường khí thải (quản lý đầu ra đối với hoạt động xả thải).
Về giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần, theo quy định tại khoản 8 Điều 3, khoản 4 Điều 42 Luật BVMT:
- Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân được phép xả chất thải ra môi trường kèm theo yêu cầu, điều kiện về BVMT.
- Giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động BVMT của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện trách nhiệm BVMT của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
Để bảo đảm khả thi, thuận lợi trong xác định người nộp phí, phù hợp với Luật BVMT, cần căn cứ vào giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần để làm cơ sở quy định người nộp phí BVMT đối với khí thải.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp được cấp giấy phép môi trường nhưng không xả thải vào môi trường hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật BVMT thì có những cơ sở không cần có giấy phép môi trường nhưng vẫn được xả khí thải vào môi trường (các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án đầu tư nhóm IV.
Do đó, để quy định người nộp phí BVMT đối với khí thải, bên cạnh căn cứ vào giấy phép môi trường và giấy phép môi trường thành phần, còn cần căn cứ thêm vào thực tế xả thải của cơ sở (thông qua quan trắc môi trường).
Về quan trắc môi trường không khí:
- Tại khoản 25 Điều 3 Luật BVMT quy định: Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng và tác động xấu đến môi trường.
- Tại cột (2) Phụ lục XXIX kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08) đã liệt kê 09 loại cơ sở xả khí thải ra môi trường. Theo đó, có thể phân thành 02 nhóm:
+ Nhóm cơ sở phải quan trắc khí thải tự động, liên tục hoặc định kỳ;
+ Nhóm cơ sở không phải quan trắc khí thải.
Theo Bộ Tài chính, từ những phân tích nêu trên cho thấy, phí BVMT là chính sách mới; để có cơ sở thuyết phục khi xác định, tính toán số phí phải nộp; nguồn thải nộp phí phải là các nguồn thải mà pháp luật chuyên ngành đã có quy định có thể xác định được khối lượng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải, làm cơ sở xác định số phí phải nộp đối với nguồn xả thải.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã quy định chính sách thu đối với cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
Căn cứ quy định pháp luật về phí và BVMT, trên cơ sở Đề án của Bộ TN&MT, kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam về thu phí BVMT đối với nước thải, để bảo đảm tính khả thi, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải quy định tại cột (2) Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (gồm các cơ sở xả khí thải phải quan trắc và không phải quan trắc) và được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.