Theo đó, nội dung của kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Đấu thầu, trong đó:
Thông tư nêu rõ, việc ghi tên gói thầu thực hiện theo phân chia gói thầu và nhóm thuốc phù hợp với quy định từ Điều 4 đến Điều 10 Thông tư này.
Trường hợp gói thầu được phân chia thành nhiều phần thì tên của mỗi phần phải phù hợp với nội dung của phần đó.
Các thông tin về gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu tối thiểu gồm các thông tin sau đây:
a) Mỗi phần trong gói thầu thuốc generic bao gồm các thông tin: tên hoạt chất; nồng độ hoặc hàm lượng; đường dùng, dạng bào chế; nhóm thuốc; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị của thuốc đó.
b) Mỗi phần trong gói thầu thuốc biệt dược gốc bao gồm các thông tin: tên thuốc kèm theo cụm từ "hoặc tương đương" theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 2 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây viết tắt là Nghị định số 24/2024/NĐ-CP); tên hoạt chất; nồng độ hoặc hàm lượng; đường dùng, dạng bào chế; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị của thuốc đó.
Trường hợp một hoạt chất có nhiều tên biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu đã được Bộ Y tế công bố tại danh mục thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu thì mục tên thuốc cần ghi đủ tên các biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu.
c) Mỗi phần trong gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền, bán thành phẩm dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa gồm các thông tin: tên thuốc hoặc tên bán thành phẩm dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa; đường dùng, dạng bào chế; đơn vị tính; số lượng; nhóm thuốc; đơn giá.
Việc ghi tên thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền, bán thành phẩm dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa trong gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 dưới đây.
d) Mỗi phần trong gói thầu dược liệu, gói thầu vị thuốc cổ truyền bao gồm các thông tin: tên dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền; tên khoa học; tiêu chuẩn chất lượng; bộ phận dùng; dạng sơ chế hoặc phương pháp chế biến; nhóm thuốc; đơn vị tính; số lượng; đơn giá và tổng giá trị thuốc đó.
Trường hợp cơ sở y tế công lập bổ sung thêm các thông tin khác về gói thầu quy định tại Khoản này thì đơn vị chịu trách nhiệm giải trình về các thông tin bổ sung này.
2- Việc ghi dạng bào chế thuốc thuộc gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Các dạng bào chế (có dấu (*)) được ghi tách riêng tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc sau đây:
a) Chỉ được tách riêng khi có cùng dạng bào chế với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu có cùng hoạt chất, đường dùng hoặc thuốc có cùng hoạt chất, đường dùng đã được cấp phép lưu hành tại nước SRA hoặc EMA.
b) Trường hợp thuốc không thuộc điểm a Khoản này, cơ sở y tế phải thuyết minh rõ về tính cần thiết, nhu cầu sử dụng đối với dạng bào chế này và chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết khi không thể sử dụng dạng bào chế khác hoặc sử dụng dạng bào chế khác nhưng không đáp ứng điều trị.
3. Việc ghi tên thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền, bán thành phẩm dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa trong gói thầu thực hiện như sau:
Chỉ ghi tên thành phần của thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền, bán thành phẩm dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa; không được ghi tên thương mại.
Trường hợp thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền, bán thành phẩm dược liệu, vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa có cùng thành phần, cùng dạng bào chế: chỉ ghi nồng độ, hàm lượng của thành phần khi sự khác nhau về nồng độ, hàm lượng dẫn tới sự khác nhau về liều dùng, chỉ định điều trị và phải có ý kiến tư vấn của Hội đồng.
Theo Thông tư, giá gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Trường hợp gói thầu chia làm nhiều phần thì mỗi phần đều phải ghi rõ đơn giá và tổng giá trị của phần đó theo quy định tại khoản 1 nêu trên.
Đơn giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu do cơ sở y tế công lập lập kế hoạch đề xuất và chịu trách nhiệm.
Căn cứ xác định giá gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, cơ sở y tế công lập có thể căn cứ thông tin giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế công lập hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong thời gian 12 tháng trước ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; Trang Thông tin điện tử Đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia; trích xuất từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc tự thu thập được để làm căn cứ xác định giá gói thầu.
Việc xây dựng giá kế hoạch của các mặt hàng cùng hoạt chất, nồng độ hoặc hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế tại gói thầu thuốc generic phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
- Giá kế hoạch nhóm 1 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu.
- Giá kế hoạch nhóm 2, nhóm 3 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu và nhóm 1.
- Giá kế hoạch nhóm 4 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; nhóm 1; nhóm 2 sản xuất tại Việt Nam và nhóm 3.
- Giá kế hoạch nhóm 5 không cao hơn giá kế hoạch thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu; nhóm 1; nhóm 2; nhóm 3 và nhóm 4.
Bộ Y tế yêu cầu ghi rõ nguồn vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu thầu. Đối với trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.
Về hình thức lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế yêu cầu căn cứ giá gói thầu và tính chất của từng gói thầu để lựa chọn một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu sau đây: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến.
Phương thức lựa chọn nhà thầu: Áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu.
Cơ sở y tế công lập chỉ áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ khi có hướng dẫn của pháp luật về khoa học, công nghệ.
Bộ Y tế yêu cầu nêu rõ thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật Đấu thầu.
Phải xác định cụ thể loại hợp đồng theo quy định tại Điều 64 của Luật Đấu thầu để làm căn cứ lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng.
Thời gian thực hiện gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 39 của Luật Đấu thầu nhưng tối đa không quá 36 tháng.
a) Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, phải ghi rõ số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm.
b) Tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi; số lượng mua thêm không vượt 30% của số lượng thuốc tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với số lượng mua thêm; đơn giá của thuốc mua thêm không được vượt đơn giá của thuốc tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng.