In bài viết

Làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành điện?

09:24 - 21/08/2024

(Chinhphu.vn) - Theo Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động, tốc độ phát triển của nguồn so với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại đang không tương xứng, nguồn điện cơ sở như thủy điện, điện than không được phát triển nữa, vấn đề thu hút như thế nào để phát triển được nguồn điện gió, năng lượng tái tạo trong khi đứng về góc độ vận hành, sẽ có những tác động rất lớn.

Làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành điện?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Để có thể phát triển đa dạng nguồn điện, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giá điện năng lượng tái tạo rất lớn

Chia sẻ tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" ngày 20/8, đứng ở góc độ nhà đầu tư nguồn điện cũng như đơn vị sản xuất, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho rằng nguồn thủy điện hiện tại cơ bản khai thác được hết tiềm năng. 

Nhiệt điện than theo lộ trình của Chính phủ sẽ tiết giảm đến năm 2030, đâu đó sẽ dừng ở năm 2050 theo chương trình Net Zero. Như thế, việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi,... 

Những nguồn điện này sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình vận hành, đặc biệt suất đầu tư rất cao. Đương nhiên, giá cho điện năng lượng tái tạo rất lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bình quân của thị trường, và quay ngược trở lại sẽ ảnh hưởng đến giá của EVN cũng như Chính phủ.

Giải quyết tốt câu chuyện giá thành

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư người ta sẽ tính đến lợi nhuận mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá. 

Tốc độ phát triển của nguồn so với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại đang không tương xứng, nguồn điện cơ sở như thủy điện, điện than không được phát triển nữa, vấn đề thu hút như thế nào để phát triển được nguồn điện gió, năng lượng tái tạo trong khi đứng về góc độ vận hành, sẽ có những tác động rất lớn?

Nhiệt điện Sơn Động là đơn vị được huy động chạy tải nền, nhưng việc điều chỉnh phụ tải, điều chỉnh công suất tần số rất nhiều. 

Với khoảng gần 10% tỉ lệ điện mặt trời và điện gió hơn 8.000 MW trên tổng khoảng 85.000 MW, vào thời điểm giờ cao điểm, vào mùa mưa, mùa khô, lúc có thay đổi, biến động thì tác động, ảnh hưởng đến hệ số vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống rất cao. 

Việc phát triển thêm các nguồn điện mới giá cao có ảnh hưởng đến chế độ vận hành của cả hệ thống. Đấy là bài toán theo tôi cần có rất nhiều tính toán.

Hiện tại, xu thế của thế giới, dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo về mặt kỹ thuật công nghệ có thể thực hiện được. Tuy nhiên quay lại câu chuyện giá thành thì đây cũng là một vấn đề. 

Nếu có thể đưa được cả hệ thống vận hành ở trên phương diện điện sạch thì: Thứ nhất thiết bị đầu tư đầu vào đắt, giá cao; thứ hai, để đảm bảo vận hành ổn định, an toàn phải có một hệ thống dự trữ năng lượng, chắc chắn hệ thống này giá sẽ không bao giờ rẻ. 

Vấn đề ảnh hưởng đến giá chung của toàn hệ thống cũng như việc xây dựng hệ thống giá thị trường để đảm bảo từ vận hành an toàn cho đến giá minh bạch, giá phù hợp, kích thích được tất cả các điều kiện... Có rất nhiều yêu cầu giá điện phải gánh vác, đấy cũng là bài toán rất khó xử lý.

Đối với các đơn vị nhiệt điện như Sơn Động là nguồn điện nền, cơ sở, rất cần thiết để ổn định hệ thống. Tới đây, theo lộ trình sẽ có chương trình thay đổi nhiên liệu, phối trộn. Điều này Bộ Công Thương đã chỉ đạo và các đơn vị đã nghiên cứu. 

Tuy nhiên, vẫn quay lại câu chuyện về giá, giá đầu vào của những nguyên liệu đốt Biomass, viên nén so với giá than có thể gấp 2-3 lần. Đây là vấn đề các chuyên gia cần phải tính toán.