Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh 86 tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh 86.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh 86 cho thấy, trong hơn 5 năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ tư lệnh 86 thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quán triệt, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xây dựng kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, thực tế, đề bạt quân hàm, nâng lương, nhận xét, đánh giá cán bộ chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm nguồn kế cận, kế tiếp vững chắc.
Đồng thời thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ và hậu phương cán bộ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, phát triển…
Qua nghiên cứu báo cáo trung tâm và gợi ý thảo luận của Thiếu tướng Nguyễn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh 86, các đại biểu dự hội nghị đã tích cực thảo luận, đi sâu phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm của cơ quan, đơn vị mình; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Luật Sĩ quan trong thời gian tới.
Về tuổi phục vụ tại ngũ của cán bộ, theo các đại biểu tham dự hội nghị, với quy định phải có đủ 35 năm tham gia bảo hiểm xã hội cán bộ mới được hưởng mức lương hưu 75%, sẽ dẫn đến tỷ lệ % hưởng lương hưu của cán bộ cấp trung tá trở xuống còn thấp. Do phần lớn lực lượng này khó có thể tham gia đóng bảo hiểm đủ 35 năm do vướng trần quân hàm. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ cán bộ nghỉ hưu ở quân hàm trung tá tương đối phổ biến, nhất là đơn vị cơ sở.
Hay tại Khoản 7, Điều 31, Luật Sĩ quan quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ nêu rõ: “Sĩ quan tại ngũ được bảo đảm về nhà ở, đăng ký hộ khẩu theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên Quân đội hiện chưa có quy định cụ thể về chính sách nêu trên; việc đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở, đất ở đối với cán bộ còn hạn chế.
Trong khi chính sách tiền lương hiện hành đối với cán bộ sĩ quan chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chưa phù hợp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội; việc hỗ trợ cho gia đình của cán bộ cấp phân đội rất hạn chế.
Theo quy định hiện hành, cán bộ đã được thăng quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm khi đến niên hạn chỉ được nâng lương tối đa 2 lần, mặc dù tuổi phục vụ tại ngũ còn dài, kết quả hoàn thành nhiệm vụ tốt… Điều này tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, năng lực, trách nhiệm cống hiến và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ.
Ví dụ: Một đồng chí cán bộ được nâng lương đại tá lần hai vào năm 50 tuổi. Đối chiếu Luật sĩ quan, đồng chí này còn 7 năm công tác. Nhưng 7 năm công tác tiếp theo đồng chí này sẽ không được nâng lương nếu không được bổ nhiệm chức vụ mới có trần quân hàm cao hơn.
Từ những bất cập nêu trên, các đại biểu thống nhất kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp úy, cấp thiếu tá, trung tá, thượng tá, bảo đảm phù hợp với Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; nhất là nên kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Nhất là các đơn vị đặc thù, nguồn nhân lực chất lượng cao như: Học viện Quốc phòng, Bộ tư lệnh 86, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Khoa học quân sự, Học viện Phòng không-Không quân, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ cao...
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Quốc phòng quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ sĩ quan nói chung được tham gia nhiều hơn các dự án chính sách về nhà ở, đất ở; hoặc đưa phụ cấp hỗ trợ về nhà ở, đất ở vào lương đối với sĩ quan chưa được thụ hưởng chính sách về nhà ở, đất ở.
Quan tâm, hỗ trợ việc làm cho vợ (chồng) cũng như nơi học tập của con cán bộ sĩ quan được điều động, luân chuyển giữa các vùng, miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, đề nghị Bộ Quốc phòng xét nâng lương không giới hạn số lần đối với cán bộ đã có cấp bậc quân hàm cao chất của chức vụ đảm nhiệm, góp phần tạo động lực để cán bộ tiếp tục phấn đấu, cống hiến năng lực, kinh nghiệm, trí tuệ nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.