Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa với nội dung: “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi một số quy định còn bất cập của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, gây khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện.
Cụ thể: Về đăng ký nghĩa vụ khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; về tạm hoãn gọi nhập ngũ tại điểm b Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự; về quy định công dân đang được đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn trong một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”.
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự.
Sau hơn 8 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập:
“a) Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự; trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập mới phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký chuyển đến;
b) Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đến cơ quan đã đăng ký nghĩa vụ quân sự làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục; sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự”.
Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, hằng năm Bộ Quốc phòng đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng bộ, rộng khắp với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; phát huy có hiệu quả các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, thực hiện nhiều tin, bài viết, bài phóng sự kịp thời, có chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập đối với một số trường hợp công dân tạm vắng, đi khỏi nơi cư trú, làm việc, học tập, vắng mặt dài ngày tại địa phương không rõ lý do chưa được quản lý hiệu quả; đối với sinh viên khi trúng tuyển học cao đẳng, đại học trong một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo được tạm hoãn gọi nhập ngũ, nhưng do gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp hoặc học xong không di chuyển nghĩa vụ quân sự về địa phương, hoặc đến nơi cư trú mới dẫn đến sót lọt nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, nhưng chưa có quy định và chế tài xử lý đầy đủ, dẫn đến tình trạng lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây khó khăn cho công tác nắm, quản lý nguồn của địa phương và gây dư luận không tốt trong quần chúng Nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.