In bài viết

Khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập xây dựng Đề án thành lập Hội đồng quản lý

13:41 - 20/10/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập (Hội đồng quản lý).

Khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập xây dựng Đề án thành lập Hội đồng quản lý  - Ảnh 1.

Khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập xây dựng Đề án thành lập Hội đồng quản lý

Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc và điều kiện thành lập Hội đồng quản lý. Theo đó, nguyên tắc, điều kiện và thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 7 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của tổ chức. 

Khuyến khích các tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên xây dựng Đề án thành lập Hội đồng quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở điều kiện cụ thể và yêu cầu quản lý.

Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý 

Theo dự thảo, thủ tục thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP

Đề án thành lập Hội đồng quản lý gồm các nội dung chính: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; vị trí, chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức; dự kiến phương án nhân sự của Hội đồng quản lý; kiến nghị của cơ quan, đơn vị xây dựng đề án thành lập Hội đồng quản lý (nếu có). 

Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập 

Dự thảo nêu rõ, Hội đồng quản lý là đại diện của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại tổ chức KH&CN công lập.

Hội đồng quản lý có 14 nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1- Quyết định mục tiêu, phương hướng hoạt động, chiến lược và kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm, định hướng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển KH&CN, chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.

2- Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức KH&CN công lập để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Đề án tự chủ của tổ chức KH&CN công lập.

3- Quyết định chủ trương về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc tổ chức KH&CN công lập.

4- Quyết định chủ trương về xây dựng tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật viên chức, người lao động.

5- Quyết định về chủ trương và trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chế độ chính sách đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tổ KH&CN công lập; thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại tổ chức KH&CN công lập theo quy định.

6- Quyết định chủ trương về đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm, điều chỉnh số lượng người làm việc hàng năm của tổ chức KH&CN công lập trước khi người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập quyết định phê duyệt theo thẩm quyền.

7- Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định về tài chính, tài sản, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, huy động nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động của đơn vị theo cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

8- Thông qua kế hoạch tài chính, tài chính hàng năm, 3 năm, mức phí của các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; các chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.

9- Phê duyệt phương án vay vốn, huy động vốn để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng, tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoàn trả vốn theo quy định.

10- Thông qua đề án liên doanh, liên kết của tổ chức KH&CN công lập trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

11- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý, chiến lược, kế hoạch hoạt động, việc thực hiện quy chế dân chủ của tổ chức KH&CN công lập theo quy định.

12- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của tổ chức KH&CN công lập; kiến nghị với quản lý cấp trên những vấn đề liên quan đến hoạt động của đơn vị vượt quá thẩm quyền của Hội đồng quản lý.

13- Định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập báo cáo về các hoạt động của đơn vị.

14- Quyết định các vấn đề quan trọng khác của tổ chức KH&CN công lập theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.

Hội đồng quản lý có số lượng thành viên từ 05 đến 11 người, tổng số thành viên phải là số lẻ, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nếu có) và các thành viên khác. Chế độ làm việc của Chủ tịch Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định căn cứ vào yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật, các thành viên khác của Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm./.