Thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, ngày 14/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Quyết Thắng về tội: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 355 Bộ Luật hình sự.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xác định bị can Nguyễn Quyết Thắng, sinh năm 1980, trú tại Tổ 13, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình với cương vị Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn từ năm tháng 12/2020 đến nay biết việc tiền ấn phẩm thi tốt nghiệp (gồm giấy nháp, giấy thi, giấy trả lời trắc nghiệm,...) được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định.
Tuy nhiên, trong các năm học 2022-2023 và 2023-2024, bị can Nguyễn Quyết Thắng vẫn chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm khối 12 thu tiền ấn phẩm thi 100.000 đồng/học sinh với lý do để phục vụ cho kỳ thi.
Hành vi của bị can Nguyễn Quyết Thắng có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự.
Theo Công an tỉnh Hòa Bình, đây là vụ việc có dấu hiệu lạm thu điển hình trong các trường học, được xã hội trong thời gian gần đây hết sức quan tâm, lên án.
Hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có quyết định khởi tố bị can Lê Kim Huê, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Biển (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.
Đồng thời, UBND huyện Đông Hải cũng đã có quyết định đình chỉ công tác đối với Lê Kim Huê.
Theo báo Công lý: Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải xác định, bị can Lê Kim Huê, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Biển đã có hành vi “chiếm giữ, sử dụng cá nhân tiền tài trợ của Công ty Nutifood Bình Dương chuyển qua tài khoản cá nhân cho bà Huê của Trường mẫu giáo Sao Biển”.
Trước đó, ngày 3/5/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu tội phạm "Tham ô tài sản", liên quan đến Trường Mẫu giáo Sao Biển.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải nhận được kiến nghị khởi tố với nội dung một số đơn vị, cá nhân có hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây dựng công trình... với nhà trường có chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Lê Kim Huê, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Biển số tiền hơn 304 triệu đồng, số tiền này Huê không báo cáo với tập thể và không công khai minh bạch các khoản tiền này.
Cụ thể, Công ty Nutifood Bình Dương chuyển khoản cá nhân số tiền hơn 226 triệu đồng; các cá nhân khác chuyển khoản số tiền gần 78 triệu đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải đã tiến hành giải quyết kiến nghị khởi tố nêu trên và ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.
Liên quan đến vụ việc trên, năm 2019, UBND huyện Đông Hải đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Trường Mẫu giáo Sao Biển.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, một số đơn vị, cá nhân có hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, xây dựng với Trường mẫu giáo Sao Biển đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân Lê Kim Huê số tiền hơn 304 triệu đồng, nhưng chưa rõ lý do và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên kiến nghị chuyển hồ sơ sang công an điều tra.
Trong các năm học từ 2015 - 2016 đến 2018 – 2019, Trường mẫu giáo Sao Biển thực hiện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngoài ngân sách, các khoản thu đầu năm, nguồn phục vụ các lớp bán trú,… chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Kế toán, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thực hiện bán trú của nhà trường.
Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường nhận tiền hoa hồng của nhà sách hơn 24 triệu đồng nhưng không nhập quỹ cơ quan để quản lý, mà tự ý dùng số tiền này để chi cho một số cá nhân là chưa phù hợp.
Ngoài ra, nhà trường tự ý thay thế sản phẩm sữa tươi thành sữa bột là sai với quyết định của Thủ tướng, và quyết định của Bộ Y tế. Thanh toán tiền sữa học đường, sữa chua... với số tiền hơn 388 triệu đồng, nhưng hóa đơn không phải do nhà phân phối cung cấp.
Nhà trường còn tự tạo lập hóa đơn bán lẻ và tự ký của người cung cấp hàng để thanh toán tiền mua đồ dùng vệ sinh, đồ dùng bán trú số tiền hơn 43 triệu đồng là chưa phù hợp.
Ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử".
Trước đó, Tổ công tác của Cục Nghiệp vụ và pháp luật - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, kiểm tra tàu cá số hiệu KG-94817-TS, chủ tàu là ông T.Q.M (sinh năm 1976, ngụ tại phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá), do ông H.T.P (sinh năm 1975, ngụ tại phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá) làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên và khoảng 9.140 lít dầu DO chưa rõ nguồn gốc.
Đáng chú ý là trên tàu đang gắn 8 thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác, lực lượng Cảnh sát Biển đã bàn giao vụ việc cho Công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua điều tra ban đầu, lực lượng Công an xác định 8 thiết bị hành trình trên là của 8 tàu cá (số hiệu: KG-90003-TS, KG-93546-TS, KG-95562-TS, KG-94669-TS, KG-90212-TS, KG-90337-TS, KG-94978-TS, KG-93900-TS) do ông N.V.H (sinh năm 1981, ngụ tại phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá) làm chủ.
Qua điều tra xác định: Các thuyền trưởng của 8 tàu trên đã gỡ thiết bị hành trình rồi gửi sang tàu cá số hiệu KG-94817-TS, để tàu cá này chạy trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm tránh phát hiện của lực lượng chức năng. Còn các tàu cá khác sau khi gỡ thiết bị thì đi đánh bắt trái phép.
Hành vi trên của các đối tượng đã cản trở việc giám sát hành trình hoạt động tàu cá của lực lượng chức năng và đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài trái phép.
Hiện vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra, mở rộng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật./.