Tiết kiệm tiền sẽ cung cấp một khoản dự phòng tài chính khi gặp các tình huống khẩn cấp như chi phí y tế, sửa chữa đồ dùng, hoặc bất kỳ sự cố bất ngờ nào. Điều này giúp sinh viên không phải vay mượn hoặc rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính.
Sinh viên có thể chi tiêu nhiều hơn cho các sở thích hoặc các cơ hội cá nhân mà không cần phải lo lắng về vấn đề tài chính khi có một khoản tiết kiệm. Từ các khoản tiền tiết kiệm được, sinh viên có thể đầu từ cho bản thân bằng cách học tập thêm các kỹ năng mới, học các ngôn ngữ mới...
Bên cạnh đó, khi tân sinh viên có kế hoạch tài chính và một khoản tiết kiệm ổn định, bản thân sinh viên có thể có thêm một khoản nhỏ để mua được những thứ mình thích như quần áo, sách vở, giày dép phục vụ cho việc học tập và cá nhân.
Sinh viên nên lập một kế hoạch tài chính riêng cho bản thân. Ngân sách chi tiêu hàng tháng được rõ ràng, chi tiết sẽ giúp quản lý tiền bạc hiệu quả hơn. Xác định các khoản chi tiêu cần thiết như học phí, sách vở, và sinh hoạt phí, và tìm cách giảm thiểu các khoản chi không cần thiết.
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên các thiết bị thông minh như điện thoại, ipad... về quản lý chi tiêu với các tích hợp rất tiện ích, dễ sử dụng. Sinh viên có thể lựa chọn những ứng dụng phù hợp với bản thân và lên kế hoạch quản lý chi tiêu.
Các trường đại học lớn đa phần tập trung tại các thành phố lớn, và giá cả thuê nhà trọ tại những khu vực này không hề rẻ. Do đó, tân sinh viên phải lựa chọn thật kỹ các nhà trọ phù hợp tiêu chí, nhằm tiết kiệm chi phí tối ưu nhất.
Một số trường đại học có ký túc xá với mức phí thấp hơn so với thị trường bên ngoài, sinh viên có thể lựa chọn và đăng ký sớm để tăng cơ hội được ở trong ký túc xá. Nếu không có cơ hội ở ký túc xá, sinh viên cân nhắc thuê chung phòng với bạn bè hoặc người thân để giảm chi phí.
Để tiết kiệm chi phí, việc nấu ăn tại nhà cũng là một giải pháp rất hiệu quả. Thực phẩm có thể mua tại các chợ đầu mối hoặc nhờ gia đình gửi từ quê xuống để tiết kiệm.
Bên cạnh đó, ăn thực phẩm tự chuẩn bị sẽ lành mạnh hơn, cho phép sinh viên lựa chọn khẩu phần ăn phù hợp. Từ đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các món ăn cũng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng hơn vì sinh viên có thể tự kiểm soát được số lượng, chất lượng bữa ăn của bản thân.
Tại các thành phố lớn, có nhiều lựa chọn phương tiện công cộng thuận lợi cho việc đi lại. Giá vé của mỗi chuyến đi trên xe công cộng thường dao động từ 7000 - 9000 VNĐ. Theo vé tháng, sinh viên có thể được ưu tiên 50% so với người đi làm.
Sinh viên được tạo điều kiện rất nhiều thứ để yên tâm học tập tại các thành phố lớn. Vì thế, phải tận dụng các ưu thế đó tiết kiệm chi phí trong quá trình học tập để giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Sinh viên có thể mua giáo trình hoặc sách cũ để học hoặc sách photo để giảm chi phí mua sách. Hiện tại các trường đại học đều có có thư viện điện tử, các sinh viên có thể dùng tài khoản trường cấp cho mỗi cá nhân để truy cập và tìm kiếm tài liệu.
Đặc biệt, sinh viên học tốt các môn tại trường cũng là việc vô cùng quan trọng. Nhiều sinh viên có số điểm tích lũy cao trong các kì học đã dành được học bổng và có thêm một khoảng để trang trải cuộc sống hằng ngày. Việc chăm chỉ học hành còn giúp sinh viên tránh khỏi việc mất tiền để học lại, thi lại.