Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn nhận định: Nội dung môn Ngữ văn mang tính tổng hợp, bao gồm cả tri thức văn hoá, đạo đức, triết học,... liên quan tới nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác.
Môn Ngữ văn cũng liên quan mật thiết với cuộc sống; giúp học sinh biết quan tâm, gắn bó hơn với đời sống thường nhật, biết liên hệ và có kĩ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Như thế, Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn cao.
Thí sinh cần đặt mục tiêu là một mở bài hay, có thể gây hứng thú, khơi gợi mạnh mẽ sự tò mò của người đọc để tìm hiểu xem điều gì sẽ được giới thiệu tiếp theo.
Các em nên chú ý đến một số điểm sau để có được một phần mở bài ấn tượng:
Thứ nhất, mở bài phải ngắn gọn và đầy đủ ý. Nghĩa là khi viết, phải dẫn dắt ngắn gọn và nêu vấn đề trọng tâm cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, một mở bài hay thì phải có tính độc đáo. Muốn vây, cách nêu vấn đề phải bất ngờ và khác lạ, câu dẫn dắt tưởng như xa mà lại rất gần gũi và sát hợp với vấn đề chính cần nêu.
Thứ ba, mở bài cần được viết ra theo một cách tự nhiên, giản dị nhất. Điều này sẽ mang đến sự sinh động, không cầu kì và giả tạo. Hãy chú tâm đến câu mở đầu để mang lại cảm giác thuyết phục nhất, bởi vì câu đầu tiên của mở bài là câu quyết định giọng điệu của bài văn có tự nhiên hay không và cũng là câu chi phối giọng điệu của cả bài viết.
Phần mở bài nên cung cấp cái nhìn tổng quan về chủ đề và mục tiêu của bài văn, giúp làm rõ những gì sẽ được trình bày.
Câu thứ nhất dẫn dắt để thu hút sự chú ý của người đọc. Nội dung dẫn dắt thường ngắn gọn, gần gũi và có liên quan đến vấn đề chính mà bài viết sẽ đề cập tới. Phần dẫn vào đề có thể là lời văn của người viết, có thể là đoạn thơ, là câu chuyện nhỏ, một dẫn chứng thực tế hoặc một lời trích dẫn nổi bật...
Câu thứ hai nêu vấn đề trọng tâm của bài viết, giới thiệu về chủ đề cụ thể mà bài văn sẽ đề cập đến. Vấn đề có thể đã nêu rõ trong đề, hoặc do các thí sinh tự đúc rút thành luận đề và nêu lên.
Phần cuối đoạn mở bài thường là một đoạn tóm tắt ngắn gọn về các điểm chính hoặc các phần chính của bài văn (1 đến 3 câu). Phần này thường nêu rõ trong đề bài, người viết chỉ nêu lại yêu cầu và đoạn trích, câu trích ở đề bài, giúp người đọc hiểu được cấu trúc tổ chức của văn bản và nhận thấy những gì có thể mong đợi.
Mở bài trực tiếp: Có thể là một tuyên bố về chủ đề sẽ được thảo luận, một câu hỏi tò mò để kích thích sự tư duy, hoặc một trích dẫn ngắn gọn từ một nguồn đáng chú ý. Phong cách này thường được sử dụng để thu hút sự chú ý ngay từ đầu và tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ.
Mở bài gián tiếp: Là kiểu mở bài kiểu giới thiệu tác giả, tác phẩm để thu hút sự chú ý một cách nhẹ nhàng, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu chủ đề hoặc ý tưởng chính sau này trong thân bài. Đồng thời, kiểu mở bài này cũng có thể làm cho độc giả cảm thấy kết nối với nội dung một cách tự nhiên hơn.
Kiểu mở bài tương phản: Làm cho người đọc chú ý bởi những thông tin ngược chiều, làm nổi bật sự cần thiết của vấn đề. Đây là cách mở bài khó nhưng hấp dẫn, độc đáo, mang đậm dấu ấn của người viết.
Bên cạnh đó, cách thức mở bài dựa vào sự kiện lịch sử cũng được áp dụng rất nhiều. Có thể dựa thẳng vào sự kiện lịch sử để nhập đề, với điều kiện phải nhớ chính xác sự kiện ấy (có thể sử dụng câu nói của người nổi tiếng hoặc một vài câu thơ về sự kiện để dẫn dắt).
Mở bài theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp không còn xa lạ với các bạn học sinh khi ôn tập môn ngữ văn. Kiểu diễn dịch sẽ đi từ cái chung đến chi tiết sự việc. Lối nhập đề này đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát và trí phán xét chính xác về vấn đề cần bàn luận. Còn ngược lại, mở bài theo kiểu quy nạp là quan sát, rút tỉa từng chi tiết giống nhau trong cuộc sống rồi đưa về một khái niệm, một quy tắc tổng quát. Đây là một cách mở bài tương đối khó, nhưng thực hiện được sẽ tạo dấu ấn mạnh.