Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (đã được sửa đổi, bổ shảiung tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021), ngày 11/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành theo thẩm quyền các Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông thay thế cho các Chương trình bồi dưỡng theo từng hạng chức danh nghề nghiệp.
Các Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Mỗi cấp học có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN chung cho các hạng giáo viên (trước đây mỗi cấp có 3 chương trình bồi dưỡng).
Thời lượng bồi dưỡng điều chỉnh từ 240 tiết (tương đương 6 tuần) xuống còn 120 tiết (tương đương 3 tuần) để phù hợp với nội dung bồi dưỡng chi tiết.
Chương trình đã được rà soát để đảm bảo không trùng lặp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên khác; cung cấp các kiến thức trọng tâm, thiết thực đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.
Không yêu cầu giáo viên phải làm bài kiểm tra kết thúc từng phần, chỉ yêu cầu hoàn thành 1 bài kiểm tra hoặc bài thu hoạch hoặc bài tiểu luận cuối khóa theo quy chế của cơ sở bồi dưỡng.
Bổ sung quy định điều kiện đối với các cơ sở bồi dưỡng. Khi đáp ứng các điều kiện, các cơ sở được phép bồi dưỡng mà không cần phải làm thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng bồi dưỡng.
Quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp đã tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức khác và các trường hợp đã tham gia bồi dưỡng, được cấp chứng chỉ từ ngày 30/6/2022 đến thời điểm các Chương trình mới được ban hành (ngày 11/7/2023).
Theo đó, đối với các trường hợp đã được cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non/tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hạng từ ngày 30/6/2022 đến ngày 11/7/2023 thì cơ sở bồi dưỡng (nơi cấp chứng chỉ) có trách nhiệm tổ chức cho học viên bồi dưỡng bổ sung nội dung Chuyên đề 7 (Chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và giáo dục) Chuyên đề 8 (Năng lực thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên) Phần II Chương trình bồi dưỡng bằng hình thức phù hợp và cấp chứng chỉ bồi dưỡng thay thế.
Thời gian tới, địa phương và cơ sở bồi dưỡng cần rà soát các trường hợp nêu trên, tổ chức bồi dưỡng bổ sung và cấp chứng chỉ thay thế cho giáo viên, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021).
Căn cứ Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã ban hành, các cơ sở bồi dưỡng xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) về công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước ngày 30 tháng 11 hằng năm và khi có yêu cầu.