In bài viết

Giá cơ sở xăng dầu được tính toán ra sao? Premium là gì?

07:39 - 12/10/2022

(Chinhphu.vn) - Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hóa, tới CPI của nền kinh tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi hiện nay theo là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh để thiếu hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội.

Ông có thể cho biết giá cơ sở xăng dầu hiện nay được tính toán ra sao?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính trên 4 yếu tố chủ yếu, đó là: Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; các khoản thuế.

Về giá xăng dầu thành phẩm thế giới, hiện nay, giá xăng dầu thế giới trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xác định là giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường Singapore (của hãng tin Platts). 

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, chi phí giá xăng dầu thế giới (thể hiện qua giá Platts bình quân) chiếm tỷ trọng chủ yếu khoảng 61,13 - 64,71% đối với xăng và khoảng 79,87% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022).

Yếu tố này có vai trò quyết định chủ yếu đến việc điều hành giá cơ sở xăng dầu trong nước và là yếu tố khách quan, ngoài khả năng kiểm soát của công tác điều hành giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới càng tăng thì tỷ trọng yếu tố này trong giá cơ sở xăng dầu càng tăng.

Đối với các khoản chi phí và lợi nhuận định mức: chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu chiếm khoảng từ 9,29 - 10,51% đối với xăng và khoảng 5,92% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022), gồm: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium (có nghĩa là phần thưởng, ưu đãi; tiền lãi, chi phí trả thêm, chi phí thưởng; phí bảo hiểm, tiền đóng bảo hiểm. Trong kinh doanh xăng dầu, đó là phần trả lãi cho người bán. Premium thỏa thuận theo quý hoặc 6 tháng/ lần); chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng; chi phí kinh doanh định mức. Ngoài ra, còn lợi nhuận định mức (chỉ để tính giá cơ sở xăng dầu) khoảng 1,33 - 1,38%. 

Các khoản chi phí định mức được rà soát, xác định theo diễn biến thực tế của hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ và phù hợp với mặt bằng kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối.

Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hiện được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu. 

Mức chi sử dụng Quỹ BOG được xem xét điều hành khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. 

Mức trích quỹ BOG chiếm khoảng từ 1,99-2,07% đối với xăng và khoảng 1,33% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022).

Phải thận trọng trong điều hành

Xăng, dầu là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng, giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới mặt bằng giá cả hàng hóa, tới CPI.

Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Do vậy, việc xem xét các yếu tố trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có chi phí kinh doanh và Premium thận trọng, chính xác, đảm bảo lợi ích của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời phải xem xét đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô đó là lạm phát, tăng trưởng và các cân đối lớn.

Về các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế giá trị gia tăng. Luật Phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.

So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung, nhất là sau khi mức thuế BVMT được điều chỉnh giảm theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của UBTVQH. 

Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, ở Việt Nam, với mức thuế BVMT đang được giảm theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu khoảng 20,22% đối với xăng E5RON92; khoảng 22,68% đối với xăng RON95 và khoảng 11,54% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022).

Điều hành giá xăng dầu phải hài hòa lợi ích: Nhà nước - người dân và doanh nghiệp

Câu chuyện điều hành kinh doanh xăng dầu đang nóng, trong đó có vấn đề về chi phí kinh doanh và Premium. Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức và Premium trong giá cơ sở xăng dầu sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và tác động đến túi tiền của người tiêu dùng, tác động tới mặt bằng giá. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS, TS. Ngô Trí Long: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp và đặc biệt đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Xăng, dầu là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng, giá xăng dầu có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới mặt bằng giá cả hàng hóa, tới CPI của nền kinh tế. Ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. 

Do vậy, việc xem xét các yếu tố trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có chi phí kinh doanh và Premium thận trọng, chính xác, đảm bảo lợi ích của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời phải xem xét đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô đó là lạm phát, tăng trưởng và các cân đối lớn.

Có ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu chỉ coi trọng thành tích là giữ giá xăng dầu ổn định, không chú ý đến lợi ích của các doanh nghiệp xăng dầu. Tôi cho rằng, những ý kiến này là chưa chuẩn xác, không thỏa đáng, chỉ nhìn một phía, không nhìn toàn cục.

Trong thực tế, khi các khoản chi phí của doanh nghiệp bị đội lên, cơ quan quản lý nhà nước đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu kể từ kỳ điều hành giá ngày 11/10/2022.

Theo đó tại kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ nên giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu đã tăng thêm từ 560 - 1.979 đồng/lít tùy loại. 

Trong đó, để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước... 

Cần khẳng định rằng, đó chính là sự chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

Đối với người tiêu dùng, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận tăng nếu giá thế giới tăng. Tuy nhiên, nếu giá tăng quá cao trong khi giá thế giới thấp, gây thiệt hại cho người dân và có lợi cho doanh nghiệp thì không thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh Nhà nước đã phải “đau đầu” tính toán giảm thuế xăng dầu, chấp nhận ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, để hỗ trợ cho nền kinh tế, cho người dân, thì việc có nên tăng thêm chi phí cho mỗi lít xăng phải kịp thời, khách quan, thận trọng và hợp lý.

Tôi cho rằng, thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc điều hành không có bất cập lớn cần phải tháo gỡ. Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ, chỉ cần thực hiện đúng theo Nghị định là thị trường sẽ không bất ổn. Tôi cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn cung. Đồng thời, các doanh nghiêp cũng cần có kế hoạch tìm nguồn hàng phù hợp, sắp xếp quản trị doanh nghiệp hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh. Vừa qua xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu chúng ta điều chỉnh thời gian điều hành giá nhanh hơn nữa thì thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định hơn.

Để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, theo ông cần có những giải pháp nào?

PGS.TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, thời gian qua, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên Bộ Công thương - Tài chính trong điều hành giá xăng dầu. Trong đó, mấu chốt chính là trách nhiệm của Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung, tránh để thiếu hàng, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng. Trách nhiệm của Bộ Tài chính là xem xét về thuế, chi phí kinh doanh.

Như tôi đã nói ở trên, các cơ quan quản lý đã hết sức lắng nghe người dân, doanh nghiệp, cũng như theo dõi sát sao diễn biễn thị trường để có điều hành phù hợp. 

Ví dụ như Bộ Công Thương luôn chú ý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung, tăng cường quản lý giám sát thị trường xăng dầu… hoặc Bộ Tài chính, thời gian qua, việc giảm thuế cũng đã được Bộ này tính toán kỹ để tránh tác động nhiều tới nguồn thu. Dù nguồn thu giảm nhưng Bộ Tài chính vẫn mạnh dạn đề xuất cơ quan có thẩm quyền giảm nhiều loại thuế để giảm giá xăng dầu.

Hay như trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tăng chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam đối với xăng nền phối trộn xăng E5 RON 92 lên 350 đồng/lít (tăng 60 đồng); xăng RON 95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); dầu diezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); dầu hỏa lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng). Như vậy, đối với 1 lít xăng như RON95 chi phí định mức là 1.320 đồng thay bằng 975 đồng như quy định trước đó (tăng lên 350 đồng).

Dù vậy, một số bất cập cũng phải được tính toán đến, trong đó đáng chú ý là cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất… 

Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí. 

Bộ Công Thương cũng cần tăng cường điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa; các cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật; doanh nghiệp chia sẻ bằng cách nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí và có thể chia sẻ cả lãi; người dân chia sẻ với Nhà nước thông qua việc tiêu dùng tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng xăng khoáng, xăng sinh học bảo vệ môi trường…

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính