Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 16 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả là đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là cần thiết.
Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng đến các yếu tố đặc thù và bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.
Dự thảo Nghị quyết quy định rõ các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng mục tiêu đề ra tại Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Dự thảo Nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; quy định rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính...
Trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính do có yếu tố đặc thù và các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Có ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ nhằm làm giảm số lượng đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước mà còn bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, đối với những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định cũng cần được xem xét sắp xếp lại, bởi cho dù có tăng thêm biên chế, thì trong điều kiện hiện nay cũng rất khó tổ chức công tác quản lý nhà nước có hiệu quả trên địa bàn.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết nên quy định: Xây dựng tầm nhìn tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, bởi việc này có liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch cán bộ.
Có ý kiến đề nghị, cân nhắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện ở các tỉnh miền núi, với diện tích lớn chủ yếu là rừng, trong khi quy mô dân số nhỏ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện này thường gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, hành chính công./.