Ngày mai (20/11), Quốc hội sẽ tiến hành Đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nội dung mở đầu là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Trao đổi trên Cổng TTĐT Quốc hội trước thềm Phiên thảo luận, các ĐBQH kì vọng việc quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 này không chỉ để tri ân, tôn vinh những người thầy, người cô mà còn tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để Nhà giáo được phát huy, khẳng định và được trả công xứng đáng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Đảng ta luôn xác định, cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Tại Phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà giáo tại Đợt 1, Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt một số chủ trương, chính sách cần triển khai trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội đó là: Việc đầu tiên khi nhắc đến đào tạo là nhắc đến vai trò của người thầy.
Do đó xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo Luật.
"Khi tham gia Luật Nhà giáo, tôi không chỉ kỳ vọng Luật được ban hành mà Luật cần phải giải quyết thật tốt mối quan hệ thầy - trò, là mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục đào tạo, có trò thì phải có thầy, mà đã có trò, có thầy thì phải có trường.
Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được", đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, việc xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy, là chiếc “máy cái” để đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, người thầy phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cái mới vì khoa học và tri thức là không dừng lại.
Dự thảo Luật cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát, khuyến khích cho nhà giáo làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì tại đây thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường.
Tuy nhiên, những chính sách đã được thực hiện với đội ngũ nhà giáo chưa thực sự tương xứng với những cống hiến mà thầy, cô giáo đã làm, nhất là với những khu vực còn nhiều khó khăn.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, “đội ngũ thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều, do vậy khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, tránh tình trạng sau khi Luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của Luật”.
Ngoài các nội dung đang lấy ý kiến, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Cơ quan thẩm tra và nhiều ĐBQH đã góp ý tại Phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết bà quan tâm đến việc xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Về chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo; thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao làm nhà giáo; nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; về chính sách tiền lương và đãi ngộ…
Góp ý về Điều 8 quy định quyền của nhà giáo, đại biểu đề nghị Luật cần có các quy định rõ ràng hơn về việc bảo vệ giáo viên khỏi các hành vi xúc phạm, bạo lực từ học sinh hoặc phụ huynh.
Việc này sẽ giúp xây dựng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh hơn cho giáo viên. Quy định chặt chẽ về xử lý kỷ luật đối với các vi phạm đạo đức nhà giáo nhưng cần đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của giáo viên khi bị tố cáo sai sự thật.
Trong không khí toàn ngành Giáo dục đang hân hoan, phấn khởi chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, việc quan tâm, tham gia ý kiến vào Luật Nhà giáo không chỉ để tri ân, tôn vinh những người thầy, người cô mà qua đó đại biểu mong muốn tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để Nhà giáo được phát huy, khẳng định, trả công xứng đáng; để nghề giáo không còn phải lo lắng về khó khăn của cuộc sống mà chuyên tâm cho việc “trồng người”.
Quam tâm đến vấn đề tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy định này đã thể hiện quyền chủ động của ngành giáo dục: Luật đã trao cho ngành giáo dục quyền chủ động trong việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển và quản lý tổng biên chế nhà giáo. Các Bộ này cũng có trách nhiệm điều phối biên chế nhà giáo cho các cơ sở giáo dục công lập.
Còn các cơ sở giáo dục có quyền chủ trì trong việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp, ủy quyền.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc tuyển dụng nhà giáo phải đảm bảo có thực hành sư phạm và người được tuyển phải đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo lần này là đã tạo điều kiện cho ngành giáo dục có sự chủ động trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về nhân sự, giúp đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng địa phương và từng cấp học.
Việc yêu cầu thực hành sư phạm và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo cho thấy Nhà nước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, việc quy định rõ ràng về cơ quan chủ trì, thẩm quyền quyết định và các tiêu chí tuyển dụng giúp quá trình tuyển dụng trở nên minh bạch và công bằng hơn.
Tất cả các yếu tố nêu trên góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Bởi việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Dự thảo Luật đã tạo ra một khung pháp lý để xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời việc quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục.
Ngoài yêu cầu nhà giáo phải có thực hành sư phạm và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, tôi nhận thấy, cần bổ sung yêu cầu về kinh nghiệm thực tế của giáo viên. Việc yêu cầu giáo viên có thời gian, kinh nghiệm thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành giáo dục, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo viên có kinh nghiệm thực tế sẽ truyền đạt kiến thức một cách sinh động, gắn liền với thực tế, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và ứng dụng.
Thứ hai, khắc phục tình trạng học “chay”, dạy “chay”.
Đại biểu cho rằng, việc học và dạy chỉ dựa trên lý thuyết sẽ khiến học sinh khó hình dung và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Với việc thường xuyên được cập nhật kiến thức, giáo viên sẽ được tiếp xúc với những công nghệ, kỹ thuật mới nhất trong ngành, từ đó cập nhật kiến thức và truyền đạt cho người học một cách đa dạng, linh hoạt hơn.
Góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Ban soạn thảo làm rõ phạm vi đối tượng chức danh nhà giáo ngoài 3 đối tượng dự thảo Luật đã quy định là nhà giáo công lập, ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài, hiện còn có đối tượng dạy tiếng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn hiện nay đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín và nghệ nhân ở địa phương tổ chức các lớp học dạy tiếng dân tộc thiểu số dù soạn thảo chưa theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng liệu đây có phải là đối tượng nhà giáo hay không?
Đại biểu đề nghị quan tâm đến đối tượng này và cần có chính sách để hỗ trợ cho họ.
Bên cạnh đó, đối tượng là người lãnh đạo, các công chức, viên chức đã nghỉ hưu, tham gia giảng dạy ở các trường học thì tính đến các đối tượng này như thế nào, có phải là nhà giáo hay không?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, xem xét các đối tượng này ngoài phạm vi 3 đối tượng lớn mà dự thảo Luật đã quy định.
Liên quan đến chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo (Điều 30 của dự thảo Luật), đại biểu chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến về vấn đề này.
Tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học thì nên nghỉ hưu như ở Luật hiện hành quy định là 55 tuổi (giáo viên nữ) và 57 tuổi (giáo viên nam).
Còn đối với giáo viên từ THCS trở lên thì tùy theo yêu cầu và nhu cầu của giáo viên muốn nghỉ trước tuổi.
Tuy nhiên theo Nghị định hướng dẫn, muốn nghỉ trước tuổi thì phải có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Cho rằng, nếu quy định như vậy thì trái với nhu cầu đặt ra của giáo viên, do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo lưu ý thêm vấn đề này vì các cử tri là giáo viên rất quan tâm.
Đối với đối tượng ở trường cao đẳng nghề, đại biểu bày tỏ băn khoăn ngoài những giáo viên biên chế thì có giáo viên không phải biên chế, được mời để giảng dạy nghề và được kí hợp đồng với Trung tâm dạy nghề thì được coi là giáo viên hay không, hoặc được hưởng chế độ như thế nào? Họ cũng đặc biệt quan tâm.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu mong muốn Ban soạn thảo quan tâm đến các đối tượng này, bổ sung thêm để làm rõ phạm vi đối tượng chức danh nhà giáo, có chính sách phù hợp cho họ (ngoài 3 đối tượng là nhà giáo công lập, ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài) nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Còn đối với giáo viên là người dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm chính sách từ khi tuyển dụng, cần đào tạo nguồn từ THPT, nắm được nhu cầu muốn làm giáo viên của các học sinh từ khi học THPT sau khi tốt nghiệp sư phạm để đưa về địa bàn cần giáo viên là người dân tộc thiểu số, hoặc vùng hộ nghèo, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Vấn đề đặt ra là cần có chính sách phù hợp đối với trường hợp này để khi Luật được ban hành có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính khả thi đối với từng vùng miền, từng đối tượng được đề cập đến./.