In bài viết

Dự thảo Luật giá củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn

17:04 - 08/11/2022

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn, đảm bảo công tác quản lý giá tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật giá củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn, đảm bảo công tác quản lý giá tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành.

Luật giá hiện hành được Quốc hội thông qua từ năm 2012 có hiệu lực từ 1/1/2013, đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội cùng với hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính đã đánh giá, tổng kết và xuất phát tự thực tiễn đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Giá và được cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, dự thảo sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn:

1- Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá;

2- Phương pháp định giá;

3- Bình ổn giá;

4 - Kê khai giá;

5- Hiệp thương giá;

6- Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường;

7- Điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá;

8- Điều kiện đối với thẩm định viên về giá;

9- Hoạt động thẩm định giá của nhà nước.

Tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, công tác quản lý giá hiện nay được quy định tại Luật Giá và nhiều luật chuyên ngành khác. Chính vì vậy trong quá trình xây dựng dự Luật, Bộ Tài chính sẽ bao quát, tổng hợp để đảm bảo công tác quản lý giá tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành, nhất là những mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Qua rà soát hiện nay có 52 nhóm mặt hàng do Nhà nước định giá, sẽ rà soát đưa ra khỏi danh sách 14 nhóm mặt hàng, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung 2 nhóm mặt hàng là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ an ninh quốc phòng do nhà nước đặt hàng vào danh sách mặt hàng do Nhà nước định giá.

Ngoài ra, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng sẽ bổ sung các quy định về phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành địa phương trong công tác quản lý giá sao cho tránh chồng chéo và mâu thuẫn cũng như đùn đẩy trách nhiệm trong công tác bình ổn giá.

Đối với công tác thẩm định giá, các quy định tại dự Luật phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, nâng cao trách nhiệm của các công ty thẩm định giá và thẩm định viên thẩm định giá.

Có cơ chế kiểm soát giá sách giáo khoa

Hiện giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật giáo dục, Luật giá, Luật xuất bản, theo đó sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Theo đó, thẩm quyền định giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xuất phát từ tính chất sách giáo khoa là hàng hóa thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước; trên cơ sở đánh giá, từ năm 2020, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đề xuất và Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng tới các hộ gia đình ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng phải thực hiện định giá. Theo đó, quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá tối đa sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản quy định giá cụ thể, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các nhà xuất bản và tránh sự tăng giá bất thường của mặt hàng này. Quy định này tiếp tục củng cố, tăng cường tính chủ động của các nhà xuất bản nhưng có cơ chế kiểm soát được giá sách giáo khoa hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh biến động bất thường

Bình ổn giá là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình quản lý về giá. Tất cả các nước đều phải thực hiện bình ổn giá. Trong đó có bình ổn mặt bằng các mặt hàng bình ổn giá. 

Chúng ta cũng có các giải pháp để bình ổn giá như về tài chính - tiền tệ; giải pháp về cung – cầu; giải pháp về quản lý thị trường. Và Quỹ bình ổn giá cũng chỉ là một trong những giải pháp về bình ổn giá.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Như vậy, khi Quốc hội thông qua Luật giá 2012 đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và cũng có ý kiến về tính công khai minh bạch trong việc trích lập và sử dụng Quỹ. Tuy nhiên, xăng dầu và một mặt hàng chiến lược và có tác động rất lớn tới CPI của nền kinh tế. Tình hình thực tiễn vừa qua cho thấy giá xăng dầu tại thị trường trong nước và quốc tế biến động rất thất thường. 

Vì vậy, theo đề nghị của các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Chính phủ đã quyết định tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu trong giai đoạn hiện nay để tránh những biến động quá bất thường của giá xăng dầu.

Về nguyên tắc bình ổn giá thì có những thời hạn, thời điểm vì khi bình ổn giá thì chỉ bình ổn lúc giá lên hoặc xuống biến động thất thường. Hiện nay ban soạn thảo Luật Giá (sửa đổi) đã đưa ra các phương án khác nhau về Quỹ bình ổn giá, trong đó có phân tích những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.