Chiều 2/5, Tổng Thư ký Quốc hội đã ban hành văn bản số 3566 về việc đăng thông cáo báo chí về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, chiều 2/5, Kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để thực hiện các nội dung:
Xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Xem xét việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Ngày 01/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành văn bản số 3561/TTKQH-TT về Thông cáo báo chí dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi chiều ngày 02/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Như đã đưa, ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.
Cụ thể, Trung ương đã họp xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, Đồng chí Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Liên quan đến nhân sự đại biểu Quốc hội, Cổng TTĐT Quốc hội cũng đã phát Thông cáo báo chí về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái.
Ông Dương Văn Thái sinh ngày 22/7/1970; quê quán xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Tài chính-Tín dụng.
Ông Dương Văn Thái giữ chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Ông Dương Văn Thái từng đảm nhiệm các chức vụ: Thị ủy viên, Chi Cục Trưởng Chi Cục Thuế thị xã Bắc Giang; Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang; Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo về việc triệu tập Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6, chia thành 2 đợt họp tập trung tại nhà Quốc hội.
Theo thông báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc ngày 28/6.
Trong khoảng thời gian này, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, kỳ họp chia theo 2 đợt.
Đợt 1: Từ ngày 20/5 đến sáng ngày 8/6
Đợt 2: Từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6.
Cùng với quyết định triệu tập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh tiến độ 1 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được điều chỉnh từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với các dự án: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi);
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được đề xuất bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.
Bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng… cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.
Để Kỳ họp thứ bảy đạt kết quả tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10/5 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.