Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 21/7/2023 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu.
Tại kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh đã trình Tờ trình giới thiệu ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả, ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã được đại biểu tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với số phiếu tín nhiệm cao.
Ông Lê Văn Lương sinh năm 1968, quê quán xã Nhân Hưng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trình độ chuyên môn Cử nhân sư phạm, Cử nhân chuyên ngành kế toán, Thạc sỹ Quản lý kinh tế, Cử nhân chính trị.
Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Lê Văn Lương đã trải qua các vị trí công tác như: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên; Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên; Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu. Từ tháng 11/2020 đến nay, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 868/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Quyết định 868/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký (19/7/2023).
Ông Đặng Hoàng An sinh ngày 16/10/1965, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Năng lượng điện tại Cộng hòa Séc và Thạc sỹ Quản lý hệ thống điện, Quản trị kinh doanh tại Học viện Công nghệ châu Á tại Thái Lan.
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch EVN, ông Đặng Hoàng An là Thứ trưởng Bộ Công Thương từ tháng 5/2018 đến nay.
Trước đó, ông từng trải qua nhiều vị trí công tác và đảm nhận các chức trách lãnh đạo quản lý trong ngành điện lực, như Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) từ 1993 đến 2004, Trưởng Ban Kỹ thuật lưới điện EVN 2004-2006; Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc EVN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 878/QĐ-TTg ngày 20/7/2023 bổ nhiệm ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực kể từ ngày ký (20/7/2023).
Ông Dương Quốc Huy năm sinh năm 1974, quê tỉnh Hưng Yên. Ông có trình độ thạc sỹ luật, cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Dương Quốc Huy là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ I).
Vụ I là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, có chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Thông tin và Truyền Thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi phụ trách.
Trước đó, trong quá trình công tác, ông Dương Quốc Huy đã kinh qua nhiều chức vụ ở Thanh tra Chính phủ như Phó Chánh Văn phòng - Thư ký Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra. Sau đó, ông Dương Quốc Huy được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ.
Đến cuối tháng 7/2021, ông Dương Quốc Huy được điều động, bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ I.
Liên quan đến công tác nhân sự, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 855/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung thành viên của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Cụ thể, bổ sung thành viên Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bổ sung Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đối với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Không quy định Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng đối với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng điều phối vùng đối với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng phê duyệt danh sách các Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng điều phối vùng đối với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
* Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định 824/QĐ-TTg, 825/QĐ-TTg, 826/QĐ-TTg, thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng.
Các Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 3 vùng nêu trên; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch 3 vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng của vùng.
Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng...