Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và các quy định của Luật Thủ đô về tổ chức, hoạt động của chính quyền phường, dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của thành phố Hà Nội.
Theo dự thảo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường được quy định như sau:
Phường loại I có Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
Phường loại II có Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
Phường loại III có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
Sáu (06) chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường của Thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
6 chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường của Thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019):
1- Chỉ huy trưởng Quân sự;
2- Văn phòng - thống kê;
3- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
4- Tài chính - kế toán;
5- Tư pháp - hộ tịch;
6- Văn hóa - xã hội.
Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý.
Theo Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội quy định trong cơ cấu UBND phường không bao gồm Trưởng Công an phường, nhưng Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 quy định trong cơ cấu của UBND phường có Trưởng Công an phường là chưa có sự thống nhất với Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thấy rằng Trưởng Công an phường đã phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn phường, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, UBND Thành phố căn cứ số lượng đơn vị hành chính phường có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức khác làm việc tại Ủy ban nhân dân phường tăng thêm, cụ thể như sau:
Phường cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức.
Phường cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên thì được tăng thêm 01 công chức.
Chế độ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức khác làm việc tại UBND phường:
Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường.
Phó Chủ tịch UBND phường giúp Chủ tịch UBND phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch UBND phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Các công chức khác của UBND phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường và Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được Chủ tịch UBND phường phân công theo đúng quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định nêu rõ quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường:
Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố.
Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố thực hiện việc tuyển dụng công chức làm việc tại UBND phường.
Chủ tịch UBND phường trực tiếp sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường.
Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.
Chủ tịch UBND phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính phường.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương mức phụ cấp của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố.