In bài viết

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân

12:09 - 04/05/2025

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đề xuất quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân.

Cụ thể, Điều 26, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đề xuất cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân như sau:

1. Hội đồng nhân dân gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này, các nhiệm vụ được Hội đồng nhân dân giao và quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân. 

Cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân và số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như sau:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân. 

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp;

b) Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân cấp cơ sở có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

3. Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân. 

Số lượng Ban và cơ cấu của Ban của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như sau:

a) Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội.

Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.

Hội đồng nhân dân cấp cơ sở thành lập Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Hội đồng nhân dân ở các tỉnh, phường, xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập Ban Dân tộc;

b) Ban của Hội đồng nhân dân gồm có Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên;

c) Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. 

Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp;

d) Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. 

Trường hợp Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 01 Phó Trưởng Ban.

Trường hợp Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Trưởng Ban.

Tại đơn vị hành chính cấp cơ sở theo quy định có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từ 30 đại biểu trở lên thì Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. 

Tại đơn vị hành chính cấp cơ sở theo quy định có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân dưới 30 đại biểu thì Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách. Ban của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở có 01 Phó Trưởng Ban.

đ) Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

4. Các đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định.

5. Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân khóa mới.

6. Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.